Say nắng, say nóng tưởng chừng là chuyện nhỏ nhưng nếu không biết cách sơ cứu kịp thời đây có thể là nguyên nhân gây đột quỵ, thậm chí là tử vong. Hãy cùng tìm hiểu các biểu hiện cũng như cách phòng tránh trong bài viết dưới đây bạn nhé. Thế nào là say nắng, say nóng? Theo bác sĩ Lương Quốc Chính (hiện đang công tác tại khoa Cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai): ”Say nắng, say nóng là bệnh lý nhiệt rất phổ biến do cơ thể rối loạn điều hòa thân nhiệt, nhiệt độ cơ thể tăng cao, có thể lên đến trên 40 độ C, thường kèm theo đáp ứng viêm hệ thống dẫn tới tổn thương cơ quan đích cùng với hệ thần kinh. Những người dễ bị say nắng là người già, người có các bệnh mãn tính như cao huyết áp, đái tháo đường, trẻ nhỏ, người lao động ngoài trời và ở dưới nắng quá lâu…” Những người bị say nắng, say nóng thường có biểu hiện mệt mỏi, đau đầu kèm với hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, đi không vững. Da nóng, mặt đỏ, khó thở, thở nhanh hoặc có những triệu chứng khác như ảo giác, thay đổi ý thức, nhầm lẫn, kích động, mất phương hướng, thậm chí là ngất xỉu, hôn mê và co giật… Làm việc ngoài trời nắng quá lâu dẫn đến mất kiểm soát thân nhiệt Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng say nắng, say nóng là do hoạt động ở người trời nắng nóng quá lâu. Khi không có các trang thiết bị bảo hộ lao động như quần áo bảo hộ, mũ, nón… người lao động rất dễ bị bức xạ nhiệt từ ánh nắng chiếu thẳng vào gáy, gây rối loạn trung tâm điều hòa thân nhiệt. Không chỉ khi làm việc ngoài nắng mà ngay cả khi làm việc trong môi trường nhà xưởng, nhà máy có nhiệt độ quá cao cũng sẽ dẫn đến hiện tượng nhiệt lượng sinh ra và hấp thụ lớn hơn nhiều so với nhiệt lượng cơ thể tỏa ra qua cơ chế toát mồ hôi. Cũng có nhiều trường hợp do người lao động mặc quần áo bảo hộ không thấm hút mồ hôi tốt, dẫn đến sự thoát nhiệt bị cản trở. Khi cơ chế giảm nhiệt gặp vấn đề, nhiệt độ cơ thể tăng cao dẫn đến mất nước, kiệt sức, hoa mắt chóng mặt, tim đập nhanh thậm chí là ngất tại chỗ. Đọc thêm: Áo bảo hộ gắn quạt điều hòa – cứu tinh trong mùa nắng nóng Xử trí đúng cách khi gặp người bị say nắng, say nóng Nguyên tắc sơ cứu người bị say nắng, say nóng là phải khẩn trương và làm các biện pháp giúp giảm thân nhiệt. Bởi vì nguyên nhân chính của say nắng nóng là do thân nhiệt tăng cao và mất nước. Cách xử trí được Bác sĩ Lương Quốc Chính đưa ra như sau: “Hãy nhanh chóng di chuyển bệnh nhân vào chỗ râm mát, sau đó cởi bớt quần áo cho thông thoáng, cho bệnh nhân uống nước mát có pha chút muối. Nếu có đá lạnh hay khăn mát, hãy tiến hành chườm tại những nơi như nách, bẹn và cổ.” Trong trường hợp bệnh nhân hôn mê, sốt cao kèm với khó thở, sau khi làm các biện pháp sơ cứu trên mà không có tiến triển hãy nhanh chóng đưa họ đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình di chuyển thường xuyên chườm mát cho bệnh nhân. Nếu không được xử trí kịp thời và đúng cách, bệnh nhân say nắng, say nóng rất dễ bị tụt huyết áp, hạ đường huyết, trụy tim thậm chí là tử vong. Nhưng chúng ta có thể hoàn toàn phòng ngừa say nắng bằng các biện pháp đơn giản sau:
Biện pháp phòng tránh say nắng nóng
Uống đủ nước nhất là khi lao động nặng. Tăng cường ăn nhiều trái cây như dứa, dưa hấu, cam xoài và rau củ quả chứa nhiều kali như rau đay, mồng tơi, rau má, diếp cá… Không nên làm việc ngoài nắng nóng quá lâu. Nếu bắt buộc phải làm việc ngoài trời nắng, hay nghỉ khoảng 15-20 phút dưới bóng râm sau 45 phút làm việc. Trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động như mũ bảo hộ, quần áo bảo hộ. Ưu tiên chọn quần áo bảo hộ lao động chất liệu vải kaki thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt và có khả năng chống tia UV cao. Trên đây là những thông tin hữu ích giúp bạn phòng và xử trí đúng cách khi bị say nắng say nóng. Hãy nhớ nguyên tắc quan trọng nhất trong sơ cứu người bị say nắng say nóng là làm giảm thân nhiệt một cách nhanh chóng và khẩn trương nhất.