Họa sĩ Lê Thiết Cương: Tôi yêu gốm và kinh Phật

Họa sĩ Lê Thiết Cương đang hoàn tất dự án của mình: Kinh gốm – kết hợp giữa gốm cổ, kinh Phật và hội họa.
Dự kiến mùa thu tới, anh sẽ trình làng một triển lãm và một cuốn sách có tên Kinh gốm, là tâm huyết trong gần 4 năm đi về các làng gốm và nhiều năm thấm triết lý nhà Phật.

Họa sĩ Lê Thiết Cương làm việc với dự án Kinh gốm tại làng gốm Hương Canh – Ảnh: NVCC

Sau đây là cuộc trò chuyện với anh về dự án, về nghề gốm chứa đựng trong nó bao tinh hoa văn hóa của người Việt, về cái thông tuệ mênh mang của những câu kinh Phật.
* Chào anh! Anh lại vừa khiến những người quan tâm tới mỹ thuật và quan tâm tới… anh phải giật mình vì thông tin anh sắp hoàn thành một dự án nữa, dự án Kinh gốm. Anh có thể chia sẻ về dự án này?

– Đó là dự án tôi viết những lời kinh điển rất cô đọng của Phật và vẽ tranh lên các sản phẩm gốm của ba làng nghề gốm cổ ở Đồng bằng châu thổ sông Hồng là Bát Tràng (Gia Lâm), Hương Canh (Vĩnh Phúc) và Phù Lãng (Bắc Ninh).

Dự kiến sẽ triển lãm vào mùa thu năm nay. Giống như ở dự án Thơ gốm hồi 3 năm trước, sẽ có một cuốn sách in những tác phẩm trong dự án với phần cước chú của tôi cho những câu kinh Phật trên mỗi tác phẩm bằng ngôn ngữ hiện đại.

Các nghệ nhân tài ba của ba làng nghề đã nặn gốm cho tôi, và được nung bằng củi chứ không phải bằng gas, điện theo lối công nghiệp. Sự tình cờ của củi lửa, men thuốc, làm tay tạo ra sự hữu tình đặc biệt cho những tác phẩm độc bản.

Với dự án này, tôi mong muốn mang những minh triết tuyệt vời của kinh Phật đến gần với mọi người hơn và góp phần vào việc bảo tồn các làng nghề gốm cổ.

* Nhưng tại sao lại là kinh Phật, thưa anh?

– Là vì tôi rất thích Phật giáo ở khía cạnh triết học. Ví như câu “Thực tướng vô tướng”, diễn giải ra là thực tướng là vô tướng, tướng thực nhất là tướng không.

Không hiểu câu này của nhà Phật sẽ không thể hiểu được những điều tưởng chừng rất vô lý như công thức nổi tiếng E = mc2 của Einstein, không thể hiểu vì sao năng lượng từ cái hồ xăng to bằng 10 cái hồ Bảy Mẫu cũng không bằng năng lượng sinh ra từ phản ứng hạt nhân của 2 nguyên tử bé tí.

Trịnh Công Sơn rất thấm tư tưởng “Thực tướng vô tướng” này khi ông viết những câu: “Con sông là thuyền/Mây xa là buồm/Từng giọt sương thu hết mênh mông”. Ông nhìn thấy sông là thuyền, mây là buồm và một giọt sương nhỏ mong manh có thể thu vào mình cả mênh mông.

* Và tại sao lại là gốm?

– Trước đây, người Việt không có tranh. Tranh Đông Hồ, Kim Hoàng hay Hàng Trống mãi sau này mới có. Mỹ thuật của người Việt nằm trong gốm, khi các nghệ nhân cầm bút chấm mực vẽ lên một bề mặt, đó là mỹ thuật của người Việt. Lịch sử mỹ thuật của người Việt là lịch sử của gốm.

Năm 1985, tuần nào tôi cũng đạp xe sang Bát Tràng. Tôi học được hết tất cả công đoạn làm gốm, từ củi lửa, men thuốc, vuốt nặn… vào lò, ra lò, và tôi thích gốm từ đó. Chỉ có trong gốm hội đủ cả thiên, địa, nhân và ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.

Nhưng các làng gốm cổ đang chết dần. Điều đó không chỉ là mất đi các sản phẩm gốm mà là mất văn hóa, tập tính, lịch sử của người Việt. Nên tôi muốn mang hội họa vào gốm để làm mới gốm, tôn vinh gốm, đưa gốm đến gần hơn với mọi người, như một cách góp phần bảo tồn các làng nghề gốm.

Một tác phẩm trong dự án Kinh gốm – Ảnh: NVCC

* Trong gốm là tập tục, văn hóa bao đời của người Việt, nhưng các làng nghề gốm đang dần chết ư?

– Tôi còn nhớ khi tôi còn nhỏ, bà tôi thường sắc thuốc nam trong ấm sắc thuốc của làng gốm Hương Canh. Tôi nhớ rõ đó là chiếc ấm có cái vòi rất đặc biệt, gọi là vòi sâu kèn. Bây giờ tôi không còn thấy ai sắc thuốc trong cái ấm đó nữa.

Ngay tại làng Hương Canh cũng không có ai bán ấm sắc thuốc từng là sản phẩm nổi tiếng của làng này. May mắn tôi tìm được một nghệ nhân cao tuổi của làng có thể giúp tôi nặn chiếc ấm sắc thuốc. Trên chiếc ấm đó, tôi viết câu kinh Phật “Phiền não tức bồ đề”.

Ở làng gốm Phù Lãng, tôi nhờ một nghệ nhân 90 tuổi vuốt giúp tôi cái lai – một chiếc lọ đặc biệt người Việt xưa dùng để đựng hạt giống treo trong bếp.

Ông bà chúng ta xưa mỗi mùa thu hoạch chọn ra những hạt tốt nhất, bỏ vào lai có miệng dương ra để buộc dây thừng treo lên bếp giữ làm hạt giống cho vụ sau. Đó là một tập tính của người Việt đã mất cùng với chiếc lai.

Nhưng đáng tiếc, những cái mất ấy rất khó nhìn ra.

* Ngay lúc này, anh nghĩ đến câu kinh Phật nào?

– Trong số các tác phẩm ở dự án Kinh gốm của tôi có một tác phẩm viết, vẽ trên chiếc tiểu nhi (tiểu sành đựng hài cốt của các trẻ nhỏ) của làng gốm Phù Lãng.

Trên đó, tôi ghi câu kinh “Hiện tại lạc trú”.

Tôi tìm thấy vẻ đẹp tuyệt vời trong chiếc tiểu nhi ấy. Vẻ đẹp ấy nhắc chúng ta: sinh tử là một. Chấp nhận sinh thì chấp nhận tử, nên hãy lạc quan sống, bình thản trước cái chết. Khi biết có ngày tử thì nhắc mình sống ý nghĩa từng giây, từng phút một.

Như lúc này tôi ngồi với bạn trên vỉa hè Hà Nội nhâm nhi rượu, ngắm phố vui và tận hưởng cái lạnh có lẽ là cuối cùng của mùa. Giây phút này sẽ không lặp lại, nên tôi trân trọng và tận hưởng nó.
Thiên Điểu thực hiện
– Nguồn: Tuổi Trẻ

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Tôi yêu gốm và kinh Phật
ZALO - THIẾT KẾ WEBSITE NINH BÌNH
ZALO - THIẾT KẾ WEB NINH BÌNH