Con đường của sen

Hoa sen là một vẻ đẹp. Hoa sen hàm chứa một giá trị tinh thần được bảo toàn trong nghệ thuật. Hoa sen mang một bản sắc Việt trong phẩm cách, căn cốt mình. Sen ẩn tàng năng lượng, tiềm sinh sức sống… Nhóm 4 họa sĩ Phật tử Mặc Hương đã đem sen Việt tới quốc đảo Singapore nhân dịp Quốc khánh 2-9 bằng triển lãm mỹ thuật Phật giáo với chủ đề Sen đầu hạ.

Sự cuồng phiêu của sắc màu và thiên hướng tao mặc

Có thể nói sen là niềm đam mê hội họa lớn nhất của Đặng Phương Việt. Người họa sĩ vẽ tranh nhưng chính những bức tranh mới là thứ vẽ nên chân dung tâm hồn người họa sĩ. Và sen đã làm nên thương hiệu Đặng Phương Việt, bản sắc Đặng Phương Việt, khẳng định tên tuổi anh trong làng hội họa Việt. Chẳng biết cơ duyên gì anh đã chọn đề tài sen như một niềm thiên định hay sen đã chọn anh để tỏa vào đời sống một vẻ đẹp mặc nhiên và riêng biệt.

Đặng Phương Việt đã vẽ sen như thể dồn hết cả tâm lực mình hay theo sự mách bảo của tâm linh. Tôi cũng không biết nữa nhưng một điều rất thực là tranh anh gợi cho ta nhiều cảm xúc khác chiều. Vừa bộn bề vừa thanh khiết, vừa tràn trề xao động vừa thiên hướng tao mặc… Chúng mang một vẻ đẹp không tĩnh lặng.

Tôi không được xem anh vẽ nhưng có cảm giác khi vẽ, dường như anh tìm thấy ở sen một ý nghĩa tinh thần nhiều dư phiêu. Những bức sơn dầu sen biểu đạt một thế giới hay đang biểu hiện trạng thái thần thức người họa sĩ, biểu cảm linh thức hồn người. Người họa sĩ không giấu được cái tâm mình trong sự dụng công của đường nét, màu sắc, hình khối. Những kỹ thuật hội họa được trau dồi và bất chợt thăng hoa trong cảm xúc bất tận của nghệ thuật. Cái ấn tượng đầu tiên của tôi khi thưởng lãm những bức sen của Đặng Phương Việt là ngạc nhiên. Cái ấn tượng sau cuối khi tôi chiêm ngắm những bức tranh sen Đặng Phương Việt vẫn là ngạc nhiên. Ngạc nhiên đến mức ấn tượng về việc sử dụng màu sắc thật cuồng phiêu.

Sen của Đặng Phương Việt.

Những tông màu nóng, thậm chí là rực nóng và dị biệt. Cường độ màu mạnh như sức lực một người trẻ đương đại. Năng lượng tinh thần người nghệ sĩ đã tràn lên toan theo một điệu thức riêng biệt. Anh đưa cả những màu sắc không thấy ở đầm sen vào tranh mình. Tím than, xanh sẫm hay đỏ ối. Ngạc nhiên tiếp theo là mảng khối.

Bố cục bức tranh anh là không bố cục. Dường như anh lo sợ một khoảng trống nào đó. Lá sen, thân sen, đài sen, hoa sen phủ kín bức tranh. Một không gian chỉ của sen, không có ngoại cảnh. Lá chen lá dày đặc, không thấy mặt hồ nước tĩnh lặng hay sình bùn, những thân sen như đua nhau mọc vươn lên cao mãi, còn hoa sen thì bao giờ cũng một màu trắng thanh khiết.

Không phải những bông sen từ thiên đường lạc xuống nẻo trần. Những bông sen ấy bao giờ cũng như đang vươn lên và vươn mãi. Cái vươn lên rất rõ ràng trong những thân sen mỏng manh vút lên để có được những cánh hoa trắng ngần. Những thân sen, nói theo cách nhà Phật, giống như những nấc thang trên con đường hướng tới sự giải thoát. Chúng mang vẻ đẹp chưa toàn bích.

Cũng như người tu tập nỗ lực tinh tiến từng bước trở về Phật tính chân thường của mình. Vươn lên ánh sáng, dù là In the summer sunlight hay Cool summer, sen của Đặng Phương Việt dẫu không có chất thiền nhưng vẫn có cảm giác an nhiên vì thiên hướng tao mặc của mình.

Sự mách bảo của hoa sen

Con đường của sen, theo quan niệm Phật giáo là con đường hướng tới sự giải thoát. Còn cánh cửa dẫn tới giác ngộ là nghệ thuật Mật giáo. Vẽ tranh Phật giáo từ khi tham gia nhóm Mặc Hương, cái nhìn mỹ thuật của họa sĩ Nguyễn Quang Đức dường như có phần rộng mở và thâm linh hơn. Anh nói vẽ tranh Phật giáo trước hết phải tịnh tâm. Nếu tâm loạn sẽ không vẽ được Mạnđàla. Nếu không hiểu kinh Phật sẽ không vẽ được Thangka. Không phải là đọc kinh Phật rồi minh họa cho giáo lý mà phải thực sự thẩm thấu, cảm giao những triết lý Phật đà.

Ký ức của Nguyễn Thị Nhàn.

Với các bức sơn mài Bản lai diện mục, Quy kính, Tuệ nhãn, Vạn pháp quy tâm… và lối vẽ tầng tầng lớp lớp cho ta cảm giác về một chiều sâu thăm thẳm trong tâm linh. Tiếp nhận và lấy cảm hứng từ hoa văn mỹ thuật Mật thừa, những hình đồ Mạnđàla Tây tạng, những bích họa Thangka, Quang Đức đã vẽ nên những Mạnđàla thuần Việt mà vẫn tuân theo những khuôn thức cấu trúc chung, gần gũi hơn theo cách cảm của người Việt mà vẫn không phá vỡ nguyên lý trật tự của một Mạnđàla…

Mạnđàla của Nguyễn Thị Nhàn.

Nếu Mạnđàla của Quang Đức tỏa ra một ánh sáng thâm trầm thì Mạnđàla của nữ họa sĩ Pháp Lạc Nguyễn Thị Nhàn có vẻ mềm mại, uyển phiêu. Trước kia nhìn vào Mạnđàla thấy nó như một hình học mê hồn trận và cảm giác như bị lạc vào giữa mê cung, giờ dây sau những tu tập kiến tạo Mạnđàla chị đã biết tự ẩn dụ vào những cánh sen trong các bức Mạnđàla hay Thangka của mình. Tôi thấy hình ảnh của Việt Nam trong đó, tôi thấy cá tính chị trong dó.

Những chi tiết hoa văn Việt trong sự kết hợp nhuần nhuyễn với mô thức Mạnđàla. Những họa tiết cánh sen, ngọn đèn dầu, Phật bà quan thế âm, chữ Phạn cổ, bát cát tường… vẫn có sức hiển lộ tự tính tâm Phật như những pháp khí, biểu tượng, nhạc khí trong Mạnđàla nguyên thủy, vẫn có khả năng đánh thức những năng lực thâm linh bên trong khi ta quán tưởng chúng. Ngoài Kim cương Mạnđàla, ở triển lãm này chị còn có các tác phẩm sơn dầu Cho và nhận, Ký ức, Mầm sống, Trời che đất chở… mà như chị nói vẽ cũng là tu.

Điều này tôi thấy rõ ở họa sĩ Phật tử Long Độ. Mỗi lần vẽ là mỗi lần chay tịnh, đọc trường kinh. Mỗi nét vẽ đều nương theo hơi thở thiền tịnh để có được bức Như Lai thọ lượng với sự khúc chiết. Vẽ và tu, như một sự đồng điệu tương ứng. Khi đạt tới niềm an bình hỷ lạc trong thân tâm, đón nhận cảm hứng, qua những trải nghiệm và chuyển hóa tâm thức sẽ có được sáng tạo nghệ thuật vô lượng, như là sự mách bảo của sen…

Mọc lên từ sình bùn, sen bước vào mỹ thuật hội họa. Búp sen Việt đã vươn lên từ chữ i trong câu slogan Việt Nam – Vẻ đẹp tiềm ẩn. Và trong hành trình hội nhập thế giới, bằng bản sắc riêng, sen Việt đã nở trên đất nước Singapore…

Lê Bảo Âu Long (CAND)

Con đường của sen
ZALO - THIẾT KẾ WEBSITE NINH BÌNH
ZALO - THIẾT KẾ WEB NINH BÌNH