GN – Có thí chủ phát tâm trang hoàng lại chánh điện. Ông điều động nhân viên của mình từ TP.HCM ra thiền viện, ráo riết làm ngày làm đêm để hoàn thành sớm công việc trong bốn ngày (những ngày này đại chúng phải nghỉ tụng kinh lẫn ngồi thiền).
Nhóm thợ làm rất nhiệt tình, ai thấy cũng cảm kích. Ban ngày làm miệt mài không nghỉ, ban tối làm đến gần nửa đêm. Ngày cuối cùng, khi công việc hoàn tất thì cũng đã gần 8 giờ tối, các chú thợ chỉ kịp tắm rửa qua loa rồi lên chánh điện làm lễ quy y Tam bảo với thầy.
Đạo Phật cứu độ chúng sanh không phân biệt. Trong ảnh: Thành kính hướng về Tam bảo
Sự tự nguyện phát tâm của họ khiến đại chúng rất bất ngờ. Thầy bảo đại chúng lên chánh điện đông đủ để chứng minh cho họ. Những người thợ này thường ngày có thấm nhuần đạo pháp hay không thì chẳng rõ, nhưng sự phát tâm quy hướng Tam bảo sau ít ngày làm việc tại thiền viện của họ là một sự chuyển tâm rất đáng tán thán. Hay đến đây thì nhân duyên đã đủ? Là giọt nước sau cùng để làm tràn ly?
Nhìn những người thợ quỳ trang nghiêm trước chánh điện, dáng bộ thô kệch, lúng túng trong chiếc áo tràng không đúng khổ, gương mặt khắc khổ mệt mỏi sau những ngày làm việc cật lực, bụng còn chưa có được miếng cơm (lễ xong họ mới ăn vội rồi lên xe về TP để mai tiếp tục đi làm), lòng tôi bỗng dâng lên niềm xúc cảm rưng rưng. Khi thầy giảng giải về ý nghĩa, lợi ích của việc quy y Tam bảo, giữ giới để gieo phước bớt tội…, đặc biệt là cẩn trọng giữ giới không nói dối, không uống rượu… giọng thầy rất nhẹ nhàng, gần gũi, thương yêu, chính tôi nghe cũng xúc cảm, dù những điều này tôi đã hiểu, đã nghe biết bao lần.
Tôi lại khởi ý nghĩ lan man, nhớ lại chuyện bản thân mình. Cũng đã mất bao năm trời tôi mới quyết định được chuyện quy y, nên tôi rất cảm thông với tâm trạng của những người cứ đắn đo không quy y Tam bảo. Cảm thông, nhưng đồng thời tôi lại rất xót xa cho họ, và cũng là cho chính mình trước đây. Bởi tôi cũng như họ đã phí hoài quá nhiều thời gian quý báu của đời người chỉ vì những suy nghĩ sai lầm: Không chịu quy y vì sợ phải nguyện hứa giữ giới mà giữ không được thì mang tội, vì không tìm được minh sư, vì cái tôi kiêu ngông không muốn hạ mình bái lạy, muốn sống tự do tự tại v.v…
Cho tới bây giờ tôi vẫn không sao quên được cái lần mà thầy – thầy năm giới – giảng giải cho tôi “giác ngộ” ra chân lý mà quy y Tam bảo.
– Con hiểu Phật pháp rất nhiều rồi mà vì sao con vẫn không quy y?
– Thưa thầy! Con sợ quy y Tam bảo phải nguyện hứa giữ giới rồi giữ không được sẽ phạm tội.
– Ý con nói là nếu không hứa thì mình sẽ không có tội, hoặc vì mình không biết nên khi phạm tội sẽ được “xử” nhẹ hơn, phải không?
– Dạ! Con nghĩ như vậy.
– Vậy thầy thí dụ cho con thấy. Đặc tính của điện là hễ mình chạm vào thì nó giật. Con vì không biết sự nguy hiểm của điện, chạm vào, vậy điện có giật con không? Dù biết hay không, hễ chạm vào thì bị điện giật, ngoại trừ khi con biết cách giữ an toàn với điện. Tội cũng giống như vậy, hễ làm là tội, không làm là không tội…
Trong đời người, ai cũng trải qua rất nhiều bước ngoặt đổi thay, nhưng với tôi quy y Tam bảo là bước ngoặt lớn nhất. Cho nên nói không quá đáng rằng độ được cho một người quy y thì công đức vô cùng lớn lao. Quy y với thầy rồi, sau đó đủ nhân duyên tôi xuất gia. Tôi đã bước đi trên con đường Chánh pháp, nhưng còn những người thân yêu, làm sao tôi có thể giúp họ? Tôi chỉ biết đem hết lòng chí thành của mình “Nguyện cho chúng sanh, hiểu thấu đại đạo, phát tâm vô thượng”.
Đạo Phật cứu độ chúng sanh không phân biệt, nhưng cần quý nhiều hơn chính là cứu độ những người khốn cùng đau khổ, lỗi lầm hung ác, sống trong vô minh tăm tối… Đối với những Phật tử thuần thành siêng năng lui tới thân cận Tam bảo, thì chuyện giúp họ không lui sụt lòng tín tâm không phải là việc khó, nhưng làm sao chuyển hóa cho những người chưa từng gặp hiểu đạo pháp, được phát tâm Bồ-đề nương theo Tam bảo tu hành, sống một đời thanh lương thuần thiện, đó mới là việc khó làm.
Năng Trí