GN – Sài Gòn những ngày tháng Chạp, sắc xuân rộn ràng khắp nơi! Tôi như “khất sĩ” tới lui những góc phố thân quen. Tĩnh lặng nơi góc phố ấy, trong tôi những ý nghĩ cũ mới hiện về nhạt nhòa cùng năm tháng. Quay đầu nhìn lại, kiểm đếm những gì đã làm được và chưa làm được những năm tháng qua trong ánh sáng soi rọi của ý nghĩa nhân văn.
Xin hãy rót xuống đời những mật ngọt của sự yêu thương!
Nàng xuân đã về! Hoa trái đã theo chân người từ các miệt vườn sông nước miền Tây, miền Trung ngược xuôi muôn nơi. Ở khắp các nẻo đường, góc phố của Sài Gòn hoa trái khoe sắc, tự tình như mặc áo mới cho nàng xuân. Đó đây, trên bến dưới thuyền những dòng xe tấp nập chở hoa và trái cây chưng Tết tràn về các công viên, điểm bán khu dân cư, đường hoa góc phố… Tất cả tạo nên một Sài Gòn rực rỡ sắc màu thiên nhiên. Người người, nhà nhà rộn ràng, lao xao mua bán í ới đi sắm Tết!… Đâu đó vọng lại những khúc nhạc “Tết này con không về!…”, đã vô tình làm cho những lưu dân xa xứ như tôi bồi hồi vọng nhớ quê xa.
Sài Gòn, thành phố náo nhiệt sinh động tràn đầy nhựa sống của một vùng đất hứa giờ càng náo nhiệt tưng bừng hơn nhưng không mất đi không gian trữ tình thơ mộng in đậm dấu chân trầm tích khai phá của tiền nhân. Thượng tuần tháng Chạp, trời đổ chứng nổi gió se lạnh giữa mùa khô nắng cháy! Làn gió nhẹ êm đềm mang đến cho con người nơi đây cảm giác nhẹ nhàng thơi thới lâng lâng. Trời se lạnh mang đến cho cư dân Sài Gòn dịp thay đổi trang phục với những chiếc áo gió nhẹ nhàng duyên dáng vắt ngang vai chiếc khăng quàng cổ đầy màu sắc, tạo nên chút duyên dáng cho mọi lứa tuổi.
Trong bức tranh hoạt náo về tháng Chạp ấy, ít ai để ý dưới kia các xó chợ gầm cầu có những con người vô gia cư đang vật vã, co ro trao đổi thân đời như vật chứng can qua đói lạnh khổ nghèo đang cần những tấm vé từ tâm giúp đỡ. Năm hết Tết đến ai cũng muốn sum vầy đoàn tụ, nhưng những mảnh đời kia không thể biến ước mơ thành câu chuyện cổ tích phụng thờ thắp nén nhang quyện hòa tâm khảm thành kính dâng lên tổ tiên, tứ thân phụ mẫu đáp đền chút nợ ba sinh. Kiếp đời họ như con tàu chợt đến chợt đi, rít lên những hồi còi lạnh lùng xé nát tâm can…
Là người con Bụt, với đức tin hỷ xả từ bi, thấy những bi cảnh ấy, đôi mắt tôi rưng rưng hoe đỏ, con tim thôi thúc lòng bi mẫn kêu đòi trợ duyên chia sẻ mà nghe rờn rợn đau đáu như lời kinh cứu khổ, thực hiện lòng từ ái sẻ chia là “Y giáo phụng hành” lời Bụt dạy. Đành rằng, chúng ta mỗi phận người tùy theo duyên sinh phước báo vòng quay luân hồi, không ai muốn sinh vào cửa hẹp đói nghèo của sự trả nghiệp bất hạnh ở trần thế dù bản thân “cày ải” miệt mài mọi hoàn cảnh. Cảm than nhà thơ xưa khắc họa nỗi niềm trân trọng đồng cảm “chồn cáo còn có hang để ẩn, riêng đời ta không chỗ gối đầu”, tâm cảnh ấy thời đại hôm nay còn nguyên giá trị.
Không ít người giàu sang phú quý do thuận duyên trong cuộc mưu sinh có thể nói phước báo nhiều đời gieo duyên lành, trồng tâm thiện ngày nay hưởng đầy trái ngọt (là những người làm ăn đạo đức chân chính) đã biết buông bỏ vô minh, tịnh tâm trải lòng bố thí “một miếng khi đói bằng một gói khi no” cho đi không mong cầu nhận lại, tích phước điền là sợi dây kết nối từ hạnh phúc đến hạnh phúc. Thân tứ đại này dù là quan quyền, kẻ giàu sang hay người nghèo hèn khi hết duyên trả nghiệp ở trần thế trở về cát bụi đều nằm chung một gò theo cửa sắc không…
Những mảnh đời bất hạnh lưu cư dưới gầm cầu, xó chợ hay góc phố kia, họ thấm thía gặm nhấm từng nỗi đau đói lạnh… Con người ai cũng cần mái ấm che mưa, chống nắng, cần miếng ăn không hòa cùng nước mắt mặn chát, đắng lòng… nhất là Sài thành kia với những tòa nhà cao cửa rộng và những con phố lộng lẫy muôn ánh đèn màu rực rỡ mà không che hết những thân đời bất hạnh kia. Thấm nhuần những đức tin chánh niệm đạo Bụt, tôi luôn hướng tâm chia sẻ với những mảnh đời cơ cực không có hôm nay cũng chẳng có ngày mai. Xin hãy rót xuống đời những mật ngọt của sự yêu thương! Mong ai cũng làm như vậy!
Thanh Phương