GN – Tôi có người quen làm nghề vệ sinh rác. Anh ta kể, ngày nào nhặt những hộp nhựa trong sọt rác để bán ve chai cũng thấy nhiều thức ăn thừa bỏ đi. Khi thì bánh, trái cây, có khi thì thịt cá. Điều làm anh tiếc hùi hụi là những thức ăn ấy còn nguyên, chưa dùng qua. Khá nhiều hộp còn hạn sử dụng khoảng từ 2-5 ngày chứ không phải hết hạn bỏ đi. Sự lãng phí ấy cũng không ngạc nhiên gì, bởi do nơi anh lấy rác đều là khu nhà giàu, dư ăn dư mặc. Họ sẵn sàng vứt những thức ăn còn hạn vì sợ để lâu trong tủ lạnh, hoặc cận “date” sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Phải chi họ mang cho mình hoặc cho người nghèo khó thì hay biết mấy, anh bạn tôi nói thế. Nhưng đáng buồn là thức ăn còn nguyên trong hộp đã vứt vào đống rác xà bần rồi, không thể nào lấy lại được.
Thực tế cho thấy, hiện nay có rất nhiều gia đình khá giả, do thừa mứa thức ăn nên không biết trân trọng những gì đang có. Họ sẵn sàng vứt bỏ những đồ hộp sắp hết hạn chỉ vì sợ bệnh này, bệnh nọ. Có người vào quán gọi hàng loạt các món ăn, nhưng cuối cùng bỏ lại gần y nguyên trên bàn không dùng, hoặc chỉ dùng qua, trong cái nhìn tiếc nuối của những người đi ăn xin. Lại có một số gia đình, vì quá thương con, mua cho trẻ nhiều thức ăn đắt tiền. Nhưng khổ nỗi con trẻ không chịu dùng, ép uổng mãi không được cuối cùng mang bỏ đi.
Đành rằng người ta có tiền thì có quyền, ăn hay bỏ tùy thích. Nhưng xét về góc độ xã hội, thì đây là hành động lãng phí thức ăn thái quá. Hiện nay rất nhiều chiến dịch tiết kiệm thức ăn diễn ra trên toàn thế giới nhằm tránh sự lãng phí và bảo vệ môi trường. Lấy thí dụ ở thị trấn Galdakao (Tây Ban Nha), người dân đã nghĩ ra cách đặt những chiếc tủ lạnh công cộng và gọi đó là “tủ lạnh đoàn kết”. Cá nhân hoặc siêu thị có dư thực phẩm sắp hết hạn sử dụng cứ việc bỏ vào tủ lạnh đó. Những người thiếu ăn sẽ đến mở tủ lạnh và chọn lựa thực phẩm mình thích mang về chế biến dùng trong ngày. Điều này thật tiện ích vô cùng. Đây là chiến dịch do công dân Alvaro Saiz khởi xướng, lấy ý tưởng từ những chiến dịch tương tự được thực hiện ở Đức.
Theo một báo cáo cuối năm 2015 của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc, người tiêu dùng ở các nước công nghiệp đổ bỏ đến khoảng 222 triệu tấn thực phẩm (còn dùng được) mỗi năm. Trong Hội nghị cấp cao của Diễn đàn Tăng trưởng Xanh (3GF) diễn ra tại thủ đô Copenhagen (Đan Mạch) vào ngày 7-6-2016, Liên minh các tổ chức quốc tế hàng đầu, trong đó có Liên Hiệp Quốc, lần đầu tiên đưa ra một bộ tiêu chuẩn toàn cầu để đánh giá mức độ lãng phí và thất thoát lương thực. Nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế đang tìm ra mọi giải pháp để chống lãng phí thức ăn, tránh đại họa đói khát có thể sẽ xảy ra trong tương lai trên toàn cầu. Vì vậy mỗi cá nhân, mỗi gia đình phải có trách nhiệm với cộng đồng, với hành tinh mình đang sống bằng việc ăn uống tiết kiệm. Thay vì bỏ những thức ăn còn dùng được, hãy mang biếu tặng người thân, người ăn xin. Điều này vừa thể hiện tính nhân văn, còn là cách bảo vệ môi trường cho Trái đất. Hãy nhớ, trong khi chúng ta đang ăn ngon, mặc đẹp thì trên Trái đất còn rất nhiều người đói khổ đến mức gầy trơ xương.
Nguyễn Thanh Vũ