Hình ảnh chỉ mang tính minh họa
GN – Ngài có thể nghe thấy nỗi lòng của người khấn nguyện, tiếp thêm sức mạnh để vượt qua những khó khăn, khổ đau.
Niệm Quán Thế Âm khi gặp chuyện bất như ý có lẽ là hành vi thường xuyên của rất nhiều Phật tử. Tỷ lệ nữ giới niệm Phật có thể nhiều hơn nam giới, theo phỏng đoán của người viết. Có lẽ do hình tượng người nữ của Đức Quan Âm mang lại cảm giác gần gũi, ấm áp, bao dung… rất phù hợp với tâm tình và thể trạng của nữ giới (dù theo các điển tích, thì nguồn gốc của Ngài thực chất là hình tượng nam).
Phụ nữ nào mà chẳng có muộn phiền dù họ là ai, tiền ít hay tiền nhiều, địa vị xã hội thấp hay cao… Mà hễ có muộn phiền thì họ thích nói, nói thì phải có người nghe, mà ai nghe bây giờ? Gia đình ư? Họ cũng đâu hiểu công việc của bạn. Bạn bè ư? Họ cũng đầy lo toan. Nói với ai thì cái cục lo cũng quay lại với mình. Thôi thì, gọi tên Ngài, nói với Ngài để tâm sự và “xả xì-trét”, nói với Ngài là bảo đảm được nghe toàn diện, được giữ bí mật tối đa, kể cả những bí mật sống để dạ chết mang theo.
Tôi chưa từng làm một cuộc nghiên cứu chính thức nào theo nghĩa tiếp thị hiện đại, nhưng ở dạng quan sát hẹp trong những mối quan hệ xung quanh, tôi hiếm khi thấy nam giới kể cho nhau nghe những câu chuyện huyền bí về Đức Quán Thế Âm. Còn phụ nữ thì cả một kho tàng. Nào là đêm mơ thấy thấy Ngài báo mộng, nào là đang bệnh mà niệm chú thì thấy khỏe hơn, rồi đang thất nghiệp cứ niệm Phật thế nào cũng tìm ra được công việc…
Hồi đi công tác ở miền quê, tôi nghe một chị kể một câu chuyện rất ly kỳ. Hôm đó, chị lái xe một mình trên cung đường từ nông thôn lên thành phố, trong một đêm tối trời. Do tính chất công việc quá gấp gáp, chị không thể thay đổi thời gian, nên phải liều mình đi. Đường sá ở xứ ta thì ai cũng biết, ổ voi, ổ gà, đào đường đào hố khắp nơi không ai biết đâu mà tránh. Có những đoạn đường tối thui tối mù, không một ánh đèn đường. Đã vậy, trời lại chuyển mưa, từ nhẹ rồi nặng hạt dần. Chị vừa chạy xe vừa lo sợ, càng đi càng thấy đường xa. Chị chỉ mong có một nhà nghỉ nào ven đường để tấp vô, ngủ một đêm cho an toàn rồi mai tính. Trong đêm tối, chị có cảm giác thế giới này chỉ có một mình chị. Trong cơn hoảng sợ, chị giảm tốc độ, niệm Quán Thế Âm. Chị niệm suốt không ngưng nghỉ. Xe đang chạy bỗng nhiên vấp phải một cành cây nhỏ, mấy cái cọng cây cuốn lấy bánh xe làm cho nó bị cản trở và không thể chạy tiếp, chị suýt ngã. Chị chập choạng dừng xe lại kiểm tra. Và, điều làm chị thót tim là phía trước chị chừng vài bước chân là một cái hố đào đường dở dang, to sâu, có thể nuốt chửng cả mấy chiếc xe cùng một lúc nhưng cái rào chắn thì nằm chỏng chơ một bên, ọp ẹp, không hề có đèn tín hiệu. Chị dừng xe, ngồi thụp xuống bên đường để định thần. Nếu như không có cái cành cây nhỏ kia, biết đâu chị đã rớt xuống cái hố này. Chị kể xong, kết luận, cũng nhờ mình niệm Nam-mô Quán Thế Âm Bồ-tát liên tục nên Ngài nghe thấy và đi chung với mình suốt đường đi, nếu không là toi mạng rồi.
Tôi hỏi chị: “Sau câu chuyện đó, chị thấy mình có suy nghĩ khác đi không?”. Chị thành thật: “Có, em ạ. Không hiểu sao sau đó chị thấy mình dễ cảm thông với những lo lắng của người khác hơn”.
Qua nhiều mối quan hệ trong cuộc sống, tôi đã nghe nhiều câu chuyện mang màu sắc tâm linh như thế. Những câu chuyện có thể khác nhau nhưng có một điểm chung lớn là Đức Quán Thế Âm – như một người Mẹ, có thể nghe thấy nỗi lòng của người khấn nguyện, tiếp sức mạnh tinh thần cho người khấn nguyện vượt qua những khó khăn, khổ đau.
Trải nghiệm của cá nhân tôi trong việc tương tác với Đức Quán Thế Âm cũng rất nhiệm mầu. Mỗi lúc bắt đầu làm việc gì, tôi cũng niệm danh hiệu của Ngài. Đặc biệt nhất là những lúc tâm bất an. Mà đời rất lạ, chuyện nhỏ mà bất an cũng không giải quyết được. Chuyện lớn mà tâm an thì dù khó cũng vượt qua êm. Những lúc như thế, Ngài sẽ nghe thấu suốt và trợ lực cho tôi rất nhiều. Để tâm an thì trí phải sáng. Để trí sáng thì phải dẹp bỏ tạp niệm. Nhiều lúc để cái tham trỗi dậy, tôi cầu nguyện đủ thứ, nào là thành công, nào là việc tốt lương cao, nào là khỏe mạnh hoài hoài, nào là tiền bạc dồi dào… Những lúc như thế, tôi thấy Ngài chỉ nhìn tôi im lặng. Dần dần, tôi nhận ra rằng, quả ngọt vi diệu chỉ đến khi tôi khấn nguyện duy nhất bình an.
Con người của xã hội hiện đại bị thống trị bởi đế chế truyền thông xã hội và kỹ thuật số, sự giao tiếp trên nền tảng ảo (online conversation) phát triển mạnh mẽ, lấn át việc giao tiếp thực tế (direct talk). Từ đó, lòng tin của con người này ngày càng thiếu ổn định, tin nay bất tin mai. Họ sẽ không biết cái hình ảnh đại diện (avatar, profile picture) đó, những thông tin cập nhật về tình hình (status) của từng cá nhân đó thực tế ra sao. Trò chuyện online thì hào hứng vậy, ra tới bên ngoài thờ ơ nhạt nhẽo. Rồi những thông tin xấu bùng nổ và lan truyền với tốc độ chóng mặt, càng làm cho con người dễ nhìn thấy cái xấu hơn cái tốt. Dần dần, người ta bị lung lay niềm tin, tìm đến đấng tâm linh để trao niềm tin cho chắc ăn (cho chắc ăn, một khái niệm rất nôm na, rất dân gian nhưng lại nói lên được mong muốn cuối cùng của con người là sự an ổn). Đối với các Phật tử, việc niệm danh hiệu của Bồ-tát Quán Thế Âm như một cách để củng cố niềm tin bên trong. Tin rằng sẽ có người nghe thấu lòng mình, bởi người ấy nghe thấu dân gian (quán thế âm). Đó là niềm tin kiên cố giúp mỗi cá nhân bớt chông chênh trong cuộc sống, tự tìm thấy Phật tính trong chính mình, dù người đó có nhận thức hay không.
Thực tế cuộc sống đa dạng hơn nhiều so với cái bàn phím. Những người không bị phụ thuộc vào đời sống máy móc như những bà hàng chạp-phô trong xóm, những cô bán hàng ngoài chợ, những người sống ở miền quê, những bà mẹ già… cứ mỗi rằm và mồng một lại í ới gọi nhau đi chùa, truyền tay nhau những quyển Chú Đại bi, có chuyện gì thì lầm rầm niệm Phật một cách hồn nhiên… Chính họ có thể tương tác với Bồ-tát Quán Thế Âm tốt hơn là những con người hiện đại, đầy tri thức và thông tin. Chính họ sẽ có đời sống giản đơn và an ổn hơn những người đang nhuốm màu xã hội hiện đại.
Xuân Phương