Đi đến những ngôi chùa Việt Nam, thấy những ngọn tháp cao, thực ra không cao lắm, chừng mười đến mười ba thước, những tháp thấp hơn chừng ba đến năm thước. Người ta cũng quan niệm đơn giản, đó là tháp mộ của các vị sư từng trụ trì nơi đất Phật này, hoặc giả, đó là nơi đựng xá lỵ của các vị cao tăng.
Tháp Phổ Minh, chùa Phổ Minh (Nam Định), kiến trúc Phật giáo thời Trần thế kỷ XIII – XIV
Có những ngọn tháp trở nên nổi tiếng, tháp chùa Phật Tích, năm 1057, nay chỉ còn nền móng, mà theo tính toán có thể cao tới 60m, tháp chùa Báo Thiên nay là truyền thuyết, cao đến trăm trượng, chọc cả trời xanh. Những ngọn tháp thời Lý đã đổ cả, chỉ còn hai ngọn tháp thời Trần (1226-1400) tương đối nguyên vẹn; là tháp chùa Phổ Minh, Nam Định và tháp Bình Sơn, chùa Chò, Phú Thọ, cao chừng 13 thước; đều xây bằng gạch trần, đỏ au nổi bật trên nền trời xanh, tất nhiên là cả tháp chùa Dâu nữa.
Thế kỷ XVII, nổi lên tháp Báo Nghiêm, chùa Bút Tháp, Bắc Ninh, cũng chỉ cao ngần đó, nhưng là một tháp đá bát giác, có nhiều chạm khắc trang trí tinh nhã; thế kỷ XIX, là tháp chùa Thiên Mụ, Huế, một tháp gạch cũng giống như tháp gạch chùa Cổ Lễ, Nam Định.
Nói chung tháp ở nước ta không quá cao, không quá to, mà phù hợp với những ngôi chùa trải rộng, thấp một tầng, và hai tầng, mang tính tượng trưng hơn là phô diễn một kỹ nghệ kiến trúc hay một tham vọng Phật giáo. Nhưng có vài thiền tự có cả rừng tháp, như quần thể vườn tháp chùa Phật Tích và chùa Bổ, Kinh Bắc cũ, từ hàng chục đến hàng trăm tháp nhỏ của nhiều đời sư tăng.
Tháp Báo Nghiêm, chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), kiến trúc Phật giáo thế kỷ XVII
Trong lịch sử kiến trúc Phật giáo, thì tháp chính là ngôi chùa, và các ngôi chùa ban đầu thì kiến trúc tháp là trọng tâm. Cái này gọi là stupa, từ stupa đơn đến quần thể, các nhà sư đến đây hành lễ, tưởng niệm về đức Phật, còn họ sống lang thang trong rừng, ngoài đường, đi khất thực, hành hóa. Stupa ở Sanchi, Ấn Độ là một kiến trúc sớm thời vua Ashoka (273-232 trước CN), có dạng bán cầu, phía trên có ba tán tròn tượng trưng cho Phật – Pháp – Tăng, và xung quanh là hàng rào vuông với bốn cổng chạm khắc, theo bốn hướng.
Mộ tháp Sanchi, Madhya Pradesh, Ấn Độ, xây dựng khoảng thế kỷ III trước CN bởi vua Ashoka
Người ta cho rằng, khi Phật tịch diệt, ngài đặt cái bát lên trên bộ quần áo, trao lại cho đệ tử, nên gọi là trao y bát, tức là truyền thừa cho người kế tục. Cái bát úp trở thành hình thức mộ tháp ban đầu. Từ stupa Sanchi đến các tháp ở Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, và Borobudur ở Indonesia, tháp ở Trung Hoa và Nhật Bản, là một lịch sử kiến trúc và điêu khắc phong phú và biến đổi theo từng quan niệm của Phật giáo khi đi vào từng địa phương.
Tháp trở thành một biểu tượng không chỉ của Phật giáo, mà còn là sức mạnh của nhà nước sùng Phật giáo đó, của sự hướng thượng, khẳng định vị thế Phật vương, và sự giác ngộ cái vô cùng là trời đất, vũ trụ, nên tháp cũng là một vũ trụ thu nhỏ, là núi Tu Di, nơi tựa của thế giới hay núi của thần thánh.
Tháp Thích Ca, chùa Phật Cung (Sơn Tây – Trung Quốc), kiến trúc thế kỷ XI
Hình dạng của Phật tháp biến đổi dần trên cơ sở của hình bán cầu ban đầu cộng thêm những phần mới như chân tháp, thân tháp, ngọn tháp, và được định hình với những tháp Tây Tạng với cơ bản là năm phần, từ dưới lên trên kết cấu như một con người ngồi tạo thiền. Năm phần ấy là địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại và không đại (từ dưới lên – đất, nước, lửa, gió và không, một khái niệm triết học trừu tượng có nghĩa vừa là tinh thần vừa là vật chất, là tất cả vừa không là gì). Năm cái này với con người sẽ sinh ra: xúc, vị, hương, thanh, sắc (cũng từ dưới lên trên – xúc giác, cảm xúc, màu sắc, vị, hương, tiếng và sắc). Qua cái tháp, con người sẽ tri giác được sự cấu thành của vạn vật và chính bản thân mình, sự đi lên từ vật chất đến trí huệ.
Một mặt khác của stupa là sự kết hợp với một Mandala. Mandala, hay còn gọi là Man đồ la, luân tập, theo quan niệm của Phật giáo Tây Tạng, có dạng hình tròn và hình vuông lồng vào nhau, biểu hiện cái tận cùng, cái vô cùng và cái cấu thành của vũ trụ. Ngôi chùa cũng được coi như một Mandala, điển hình như Borobudur ở Indonesia, xây dựng năm 800, với một nền vuông, trên là năm sân thượng vuông, trên nữa là ba sân thượng tròn, trên cùng là một bảo tháp. Mười cấp này biểu thị ba giới và ba cấp độ tâm linh.
Cấp thấp nhất hình vuông, biểu thị dục giới, là cõi trần với bao chuyện tham, sân, si. Những bức tường của cấp này chạm khắc những hoạt cảnh trần gian, tiền kiếp và cuộc đời của đức Phật. Cấp giữa năm hình vuông, biểu thị sắc giới, hay cõi thiên có những hốc chứa 108 tượng Phật ngồi quay ra bốn hướng.
Cấp trên cùng, với ba sân thượng tròn, có 72 bảo tháp, mỗi tháp chứa một tượng Phật, trên cùng là một bảo tháp đơn, biểu thị vô sắc giới. Với đền Bayon ở Angkor Thom, Campuchia, ở cấp cao nhất 49 tháp vươn lên như những ngọn núi chạm khắc gần 200 mặt Quan Thế âm Bồ Tát, làm theo mẫu của khuôn mặt vua Jayavarman VII (1181-1219).
Đền Bayon, Angkor Thom, Campuchia, xây dựng cuối thế kỷ XII
Ở đây và ở kia, thời này hay thời khác, vươn lên, vươn cao mãi là ước vọng không cùng của con người. Các ngọn tháp đều là biểu hiện của sự tập trung quyền lực và trí tuệ và cả sự ngu ngốc của con người khi tự đóng mình trong một cái tháp.
Tháp của Phật mang ý nghĩa về sự giác ngộ. Ở đây, ngôi chùa không phải là nơi người ta có thể cầu mong sự ban phát hay giúp đỡ gì, mà hãy tự hiểu và tự giúp lấy mình. Các ngọn tháp cũng chính là con người, khi ta cao thì ngọn tháp cao, khi ta thấp thì ngọn tháp thấp, cao hay thấp cũng vẫn ngần ấy, địa – thủy – hỏa – phong – không. Có khát vọng tinh thần thì vươn cao đến trời xanh, không có thì cứ việc cắm cổ nhai cơm mà uổng cả đời người (Trần Thái Tôn).
Tháp chùa Dâu (Bắc Ninh), thời Trần
Tháp Ngũ Quang đền Phật giáo Horyu-ji (Nara – Nhật Bản), xây dựng năm 607
Tháp Bình Sơn, chùa Chò (Phú Thọ), kiến trúc Phật giáo thời Trần
Theo PHAN CẨM THƯỢNG (Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)
Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn & Ảnh tư liệu Đỗ Huy chụp, trong sách “Chùa Dâu và Nghệ thuật Tứ pháp”, NXB Mỹ thuật, 2002. www.wikipedia.org