GN – Hai vợ chồng anh bạn tôi đều là giáo viên. Sau ngày thống nhất đất nước (1975), anh được tiếp tục giảng dạy còn vợ phải nghỉ. Cơm áo gạo tiền là mối lo ngày đêm canh cánh bên lòng, lại thêm con cái đông mà phải ở nhà thuê thì khổ không chi bằng. Vợ chồng anh phải vắt chân lên đầu lên cổ chạy đôn chạy đáo, xoay xở đủ cách mà không lo xuể sáu miệng ăn, trong đó có tới bốn đứa đang tuổi “ăn như tằm ăn rỗi”.
Tuy thế, để giữ vững “cái ghế” đứng lớp, anh phải đem hết năng lực nhiệt tình vào công việc giảng dạy, tích cực lao động, chăm sóc học sinh, nỗ lực rèn luyện đạo đức, học tập chuyên môn… Đây là chỗ tựa mong manh cho gia đình anh trong những ngày mới.
Hoa từ đất cằn vọt lên – Ảnh minh họa
Dù sao được đứng trên bục giảng cũng là niềm vui giúp anh quên đi bao nỗi lo lắng bức bách. Những ngày ấy tôn giáo còn là vấn đề nhạy cảm, tuy không có văn bản chỉ thị… nhưng mọi người đều ngại, không ai dám lui tới cửa chùa. Vì vậy, việc tu học của người Phật tử tại gia, hai vợ chồng ngày đêm trăn trở. Liệu có ảnh hưởng đến công tác, đến chén cơm manh áo của gia đình? Sau một thời gian nghỉ sinh hoạt, chị thấy nhớ chùa và thầm nhủ dù chi đi nữa thì cũng không thể bỏ chùa, vì không có con đường nào khác, tâm linh là nơi nương tựa mà bao năm gia đình anh chị đã gắn bó.
Thời gian đầu cũng gặp không ít trở ngại, nhưng chị coi như là thử thách phải vượt qua. Chị trở lại chùa, tham gia các Phật sự, cùng với Ban Từ thiện chùa đi vận động quyên góp tiền bạc, mì gói, áo quần cũ đưa đến giúp bà con những nơi khó khăn, nạn nhân thiên tai bão lũ. Anh không thể đi chùa nhưng ở nhà tinh tấn hành trì, vận dụng lời Phật dạy vào cuộc sống, vào việc giảng dạy. Ban ngày công việc tối cả mặt mày nhưng mỗi tối trước khi đi ngủ, anh dành 30 phút ngồi tĩnh tọa theo dõi hơi thở ra vào…. Việc làm này tuy đơn giản nhưng mang lại hiệu quả tích cực, giúp anh vơi đi những căng thẳng trong ngày nên giấc ngủ ngon, sáng dậy tỉnh táo và đủ sức để tiếp tục làm việc. Và dù bận rộn đến mấy, hễ nghe bà con hay bạn bè bị đau ốm, gặp hoạn nạn, anh liền tranh thủ đến thăm hỏi động viên. Tình cảm yêu mến, kính trọng của các em học sinh đặt vào anh, và các thầy cô giáo trong trường cũng dành cho anh sự tin cậy.
Những việc làm của anh tuy âm thầm không báo cáo, không được tuyên dương nhưng một số phụ huynh học sinh trong đó có nhiều vị là cán bộ địa phương ghi nhận. Xã nơi anh đang công tác đã cấp một lô đất để gia đình sinh sống và anh yên tâm công tác. Lô đất cả ngàn mét vuông nhưng thuộc loại đất hoang hóa, lại xa nội thị và cách trở đường đi lại nên không mấy thuận tiện. Tuy thế, vợ chồng anh ra sức cải tạo khu đất hoang để xây dựng cuộc sống. Công tác ở trường đứng lớp, hội họp, lao động đã chiếm hết thời gian nên anh chỉ còn tranh thủ ngày Chủ nhật và thức khuya dậy sớm. Ngày ngày anh nhặt nhạnh từng tấm tôn cũ, đốn tre trong vườn dựng tạm mái nhà che mưa đỡ nắng, trong khi chị lo dọn cỏ, xới đất, bón phân tưới nước… Sau hai năm cật lực lao động, đám đất hoang giờ đã mọc lên ngôi nhà tươm tất giữa khu vườn đủ thứ rau củ quả, nhất là cây quật (quất, tắc), cây chủ lực bán để mua sắm Tết. Rau trái củ quả trong vườn mỗi ngày chị đem ra chợ bán trang trải mọi chi tiêu gia đình, lương anh chỉ đủ gởi cho con ăn học.
Ban ngày ai nấy tất bật lao động, có thì giờ đâu để lo nghĩ…, nhưng đêm đến, bao nhiêu điều băn khoăn trăn trở ùa về. Có những nỗi lo có thể chia sẻ với bạn bè người thân, nhưng có những nỗi niềm chỉ thầm kín trong lòng không thể bộc bạch cùng ai. Gia đình bốn đứa con gái… rồi tương lai sẽ ra sao?! Đây là vấn đề mà hai vợ chồng anh đêm đêm nằm vắt tay lên trán lo lắng. Công ăn việc làm tiền bạc dù có khó đi nữa rồi cũng có cách giải quyết, nhưng thân phận con gái… mười hai bến nước ở ngoài tầm tay của hai người! Làm cha mẹ có lo cũng đành chịu?! Cuối cùng họ đặt hết niềm tin vào Tam bảo, tin vào lòng Đại từ Đại bi của Bồ-tát Quán Thế Âm.
Và cứ thế, hai người chí thú làm ăn và lo tu tập, thực hành lời Đức Phật dạy. Mỗi ngày vợ chồng nhắc nhở, động viên nhau trời Phật có mắt chẳng lẽ phụ người ăn hiền ở lành! Con gái đầu của anh học đại học ngoại ngữ, tốt nghiệp ra trường hai năm mà chưa có việc làm, nên xin bán hàng cho một cửa hàng bán đồ lưu niệm. Tuy không phù hợp trình độ và ngành học nhưng biết làm sao! Và khi thấy anh đi chiếc xe Dream (quả là giấc mơ) thay chiếc xe đạp cọc cạch bấy nay, bạn bè không khỏi ngạc nhiên. Sau đó thấy anh làm nhà mới và ít lâu sau gởi thiệp mời bạn bè dự đám cưới con gái. Mọi người mới vỡ lẽ thì ra con gái anh kết hôn với… một người nước ngoài.
Hai đứa con giữa của anh thời khó khăn đã nghỉ học làm công nhân dệt may, nay đã học bổ túc. Một đứa sau khi tốt nghiệp cấp 3 theo học khóa sơ cấp kế toán, tốt nghiệp xin làm kế toán cho một doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Sau thời gian có kinh nghiệm, cháu thuê nhà mở cửa hàng bán đồ lưu niệm và lập gia đình. Chỉ năm sáu năm, hai vợ chồng cháu đã mua nhà ở nội thị mở cửa hàng buôn bán.
Đứa thứ ba sau khi tốt nghiệp cấp 3 thi vào đại học Ngoại ngữ. Ra trường đúng vào lúc thành phố phát động phong trào thanh niên làm từ thiện. Cháu tham gia phục vụ quán cà-phê Tình thương hỗ trợ người khuyết tật. Cơ hội này cháu quen biết và đi đến hôn nhân với một kỹ sư cùng hoạt động thiện nguyện. Sau một thời gian, hai vợ chồng trẻ đã có ngôi nhà khang trang ngay trong nội thị.
Con gái út đỗ vào Đại học sư phạm và sau khi tốt nghiệp cũng được đi dạy và lấy chồng sĩ quan biên phòng. Đến năm 2000, một con đường trải nhựa chạy qua trước nhà anh. Đất của anh trở nên đất vàng. Các con anh nay đã có gia thất và nhà cửa đàng hoàng. Thật ngoài cả mơ ước của vợ chồng anh! Gia đình anh qua đi những ngày khó khăn vất vả, cuộc sống đã hanh thông. Tuy thế, vợ chồng anh vẫn duy trì nếp sống giản dị, ngày ngày chăm sóc mảnh vườn trồng rau sạch để ăn và chia sẻ với con cái và bạn bè hàng xóm.
Bạn bè thấy thế hỏi: “Nè, vợ chồng anh sao giỏi quá, và cuộc sống nay đã sung túc sao không vui chơi bù lại những ngày thiếu thốn cực khổ?”. Anh cười đáp: “Cũng nhờ khó khăn mà chúng tôi thấu hiểu ý nghĩa lao động và cảm thông với những ai gặp hoàn cảnh khó khăn. Và các con tôi cũng do thiếu thốn đã lo học và chăm làm, nay mới có công ăn việc làm. Do đó, chúng tôi thực hiện nếp sống thiểu dục tri túc, động viên con cháu bớt chi tiêu để có chút ít thời gian và tiền bạc giúp người khó khăn hoạn nạn”.
Nhờ đâu mà anh có được thành quả hôm nay? Điều này thật khó nói, anh chỉ ấp ủ trong lòng. Hai vợ chồng anh chiều chiều bắc ghế ngồi trên hiên nhà nhìn ngắm vườn cây bốn mùa xanh tươi hoa trái đủ màu. Họ tự hỏi lòng, rồi nhìn nhau bằng niềm tin sâu sắc vào sự gia hộ của Tam bảo, sự kỳ diệu của nếp sống tâm linh!
Võ Văn Lân