GNO – Ngày nay, người ăn chay ngày càng nhiều và mục đích ăn chay của mỗi người có khác biệt, có thể ăn chay vì sức khỏe, dưỡng sinh, trị bệnh hoặc vì thương tưởng chúng sanh, trau dồi nhân cách và phát triển từ bi.
Dù ăn chay với mục tiêu nào đi nữa cũng góp phần hạn chế bớt sự giết hại, nuôi dưỡng sự sống, bảo vệ môi trường… và giúp người ăn chay hiền thiện hơn.
Tháng Bảy – mùa Vu lan về, Giác Ngộ Online giới thiệu cùng bạn đọc những món chay thông dụng, dễ làm để bạn có những bữa cơm chay báo hiếu an lạc! Đặc biệt nhân ngày Vu lan được nấu một bữa cơm chay cho hai đấng sinh thành thiết nghĩ đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất.
1. Sa-kê chiên mè
Nguyên liệu: Trái sa-kê, mè, tương ớt, bột chiên giòn.
Sa-kê chiên mè – Ảnh: Nguyên Hân
Cách làm:
– Trái sa-kê gọt vỏ, xắt miếng, ngâm trong nước muối pha loãng cho sạch mủ, vớt ráo nước.
– Cho sa-kê vào xửng (nồi hấp) hấp chín, tán nhuyễn nêm nếm một ít bột canh chay, đường, tiêu và pa-rô phi thơm vàng. Sau đó trộn đều sa-kê đã tán nhuyễn, vo tròn hoặc dài tùy thích
– Bột chiên có thể dùng bột chiên giòn hoặc pha bột gạo và bột mì nêm một ít bột canh chay khuấy với một ít nước cho bột hơi sền sệt. Nhúng viên sa-kê vào bột lăn qua mè chiên trên lửa lớn nhìn vàng đều là được.
Sa-kê chiên mè là món ăn chơi có thể dùng làm món khai vị ăn cùng tương ớt.
2. Chân nấm đông cô khô tiêu
Nguyên liệu: Chân nấm đông cô khô, gừng, mè, tiêu, nước dừa xiêm, rau răm, pa-rô và gia vị.
Chân nấm đông cô kho tiêu – Ảnh: Nguyên Hân
Cách làm:
– Chân nấm đông cô khô ngâm nở, rửa sạch.
– Mè rang vàng.
– Gừng gọt vỏ xay nhuyễn cho vào luộc cùng với chân nấm, sôi kỹ vớt để nguội vắt ráo nước.
-Chiên chân nấm với một ít dầu cho chân nấm săn chắc lại, cho pa-rô vào xào thơm. Cho một ít ớt bột vào nếu dùng cay
– Pha nước kho nêm nếm đường, bột canh chay và nước dừa xiêm nếm nước có vị mặn ngọt đậm đà, sau đó cho chân nấm đã chiên vào tộ kho nhỏ lửa đến khi cạn nước và keo lại; cho rau răm, tiêu và rắc mè vào.
Món chân nấm đông cô kho tộ có vị đậm đà với hương thơm kết hợp từ gừng, mè, rau răm và tiêu dùng với cơm nóng rất ngon. Có thể nêm nếm khẩu vị theo từng vùng. Món này nếu người miền Trung hương vị nêm nếm có phần đậm đà so với người miền Nam có phần ngọt hơn.
3. Đậu bắp xào cà chua
Nguyên liệu: Đậu bắp, nấm bào ngư Nhật hoặc nấm đùi gà. Cà chua. Rau ngò. (½ kg đậu bắp dùng khoảng 5 quả cà chua).
Đậu bắp xào cà chua – Ảnh: Nguyên Hân
Cách làm:
– Đậu bắp rửa sạch cho vào nồi hấp vừa chín. Xắt lát xéo.
– Nấm bào ngư ngâm muối rửa sạch, xắt lát vừa ăn.
– Cà chua bỏ hạt, xắt hạt lựu.
– Phi pa-rô thơm vàng cho cà chua vào nêm một ít đường và một ít bột canh. Xào cho cà chua chín đều tạo màu sau đỏ cho nấm vào xào cho nấm chín nêm thêm gia vị cho vừa ăn cho đậu bắp vào trộn đều tắt lửa. Múc ra dĩa rắc tiêu và cho rau ngò trang trí.
Món đậu bắp xào cà chua dùng nóng với cơm có vị chua ngọt, vị giòn của nấm và đậu bắp.
4. Măng trộn
Nguyên liệu: Măng, mè, phù chúc lá, rau răm, pa-rô và gia vị.
Măng trộn – Ảnh: Nguyên Hân
Cách làm:
– Măng bào sợi nhuyễn và mỏng luộc kỹ, xả sạch, vắt khô nước.
– Pa-rô bào mỏng phi thơm.
– Mè rang vàng xay dập.
– Gia vị đường, bột nêm chay, muối xay nhuyễn cho vào măng đã vắt khô nước trộn đều gia vị cho dầu và pa-rô phi thơm, mè, phù chúc lá chiên vàng và rau răm cắt khúc vào.
Món măng trộn có thể ăn cùng với bánh phồng hoặc bánh tráng hoặc dùng với cơm đều rất ngon. Măng trộn có vị giòn của măng, thơm béo của mè.
5. Canh khoai mỡ
Nguyên liệu: Khoai mỡ hoặc khoai tía, nấm rơm, rau ngỗ và gia vị
Canh khoai mỡ – Ảnh: Ng.Hân
Cách làm:
– Khoai gọt vỏ, rửa sạch lấy muỗng múc từng miếng nhỏ thay vì cắt lát.
– Nấm rơm gọt bỏ gốc ngâm muối rửa sạch xắt lát mỏng.
– Phi pa-rô với 1 ít dầu cho thơm, cho nấm vào xào, nêm gia vị đường, bột canh chay và một ít muối xong cho nước vào. Nước sôi cho khoai vào, nêm nếm theo khẩu vị, khoai mềm tắt lửa múc ra tô nêm rau ngỗ cắt khúc.
Canh khoai mỡ rất hợp với rau ngỗ do mùi thơm của khoai kết hợp với rau ngỗ tạo nên một hương vị rất riêng. Canh dùng nóng sẽ ngon hơn.
Nguyên Hân thực hiện