GNO – Rong sụn rất nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe, theo đó, hàm lượng dinh dưỡng và công dụng của rong sụn được biết đến gồm:
1. Protein (Đạm):
Hàm lượng protein của rong sụn dao động trong khoảng 5-22% (theo viện nghiên cứu Nha Trang ). Hàm lượng protein của rong sụn giao động với biên độ khá lớn phụ thuộc giai đoạn sinh trưởng, vị trí địa lý, môi trường sống.
Theo nghiên cứu hàm lượng prôtêin tăng dần theo thời gian sinh trưởng và đạt giá trị cực đại ở giai đoạn sinh sản.
2. Lipid: Hàm lượng lipid trong rong sụn không đáng kể nhưng một số nhà nghiên cứu cho rằng mùi tanh của rong là do lipid gây ra.
3. Sắc tố: Trong rong sụn có chứa một số sắc tố như sắc tố vàng (xanfoful), sắc tố xanh lam (phycoxfanyn), sắc tố diệp lục tố (chlorofil).Sắc tố của rong sụn kém bền hơn sắc tố của các loại rong khác, vì vậy loài rong này có thể được tẩy màu bằng phương pháp tự nhiên là phơi nắng.
4. Nước: Hàm lượng nước chiếm 77-91%, hàm lượng nước giảm theo thời gian sinh trưởng, ở giai đoạn tích luỹ chất dinh dưỡng, hàm lượng nước đạt 79 %.
5. Nguyên tố vi lượng: Cây rong sụn chứa đến trên 20 loại nguyên tố vi lượng hữu ích như sắt, đồng, kẽm, florua, mangan, niken, coban.
6. Axit amin: 13-20 loại axit amin tự do – trong đó có nhiều loại cần thiết cho cơ thể con người.
7. Chất khoáng đa lượng: Natri; canxi – hàm lượng canxi cao gấp 3 lần so với sữa bò, magie; kali, clo, sulphur và photpho.
8. Chất xơ: Rong biển nói chung và rong sụn nói riêng có chất xơ trong đó nổi bật là i-ốt ( yếu tố vi lượng tối cần thiết cho tuyến giáp); hàm lượng iode trong rong sụn cao hơn so với các thực phẩm khác, kể cả các thực phẩm có nguồn gốc từ biển
9. Vitamin: Chứa nhiều loại vitamin như A, B1, B2, B6, C, D, E… Hàm lượng vitamin A trong rong sụn cao gấp 2-3 lần so với cà-rốt, gấp 10 lần trong bơ, vitamin B2 cao gấp 7 lần trong trứng, vitamin C, E cao gấp nhiều lần trong rau quả.
* Tác dụng của rong sụn:
– Rong sụn rất cần thiết và bổ dưỡng đối với con người.
– Rong sụn là một loại Polysacharide có tính nhũ hóa cao, có thể giải độc, chữa các bệnh mãn tính, làm nguyên liệu keo…
– Một trong những bí quyết sống lâu của người Nhật là tập quán ăn rất nhiều rong biển.
– Rong sụn còn có tác dụng nhuận trường, hấp thu các chất độc hại trong cơ thể con người (đặc biệt là các kim loại nặng, các chất phóng xạ như chì, thạch tín…) và được thải ra ngoài qua đường bài tiết. Vì vậy, rong biển nói chung và rong sụn nói riêng không chỉ là nguồn thực phẩm phòng chống suy dinh dưỡng, bướu cổ cho đồng bào vùng cao mà còn rất cần cho người dân ở các đô thị, khu công nghiệp.
– Trong y, dược học: chống kháng bổ trợ, hạn chế phát triển huyết khối, chống đông tụ, hạn chế u xơ, chống xơ vữa động mạch, ức chế hoạt động của virus, ức chế sự phát triển của HIV và herpes, đặc biệt là ức chế papillomavirus – virus gây ung thư buồng trứng. Đối với bệnh tiểu đường, Carrageenan có thể hấp thụ nước và làm chậm lại sự rỗng của dạ dày, do đó làm giảm độ nguy hiểm do tăng lượng đường trong máu xảy ra ngay sau bữa ăn.
Gỏi rong sụn chay thơm ngon hơn khi dùng với bánh tráng nướng – Ảnh: Nguyễn Thái Lam
* Cách làm gỏi rong sụn:
1 – Nguyên liệu:
– Rong sụn
– Nấm bào ngư
– Cà rốt
– Dưa leo (có thể thay bằng xoài)
– Chanh, giấm, ớt, hạt điều, rau kinh giới, rau răm
2 – Thực hiện:
– Ngâm rong sụn vào nước khoảng 1-2 giờ rồi rửa sạch với nước. Bóp rong sụn với nước cốt chanh cho hết mùi tanh. Cắt thành nhánh nhỏ vừa ăn.
– Bào sợi cà-rốt, dưa chuột, bóp cùng đường, muối, chanh, ớt, để ngấm gia vị. Sau đó, dùng tay vắt (để món gỏi không ra nước).
– Nấm luộc, thái nhỏ.
– Thái nhỏ rau kinh giới, rau răm, chuẩn bị hạt điều vừa đủ.
– Nước trộn gỏi: Pha hỗn hợp giấm, đường cho vừa chua ngọt rồi thêm nước mắm chay đến đủ độ mặn. Cuối cùng, thêm tỏi và ớt (nếu kiêng ngũ vị tân thì khỏi bỏ tỏi).
– Trộn gỏi gồm nấm bào ngư, rong sụn, rau và nước gỏi. Để một chút cho ngấm gia vị. Khi bày ra đĩa, rắc hạt điều lên trên.
Nguyễn Thái Lam thực hiện