GN – Nhận tin báo, tôi vội mang túi y cụ cùng một cơ số thuốc cấp cứu rồi chạy xe đến nhà bà ấy ngay. Đến nơi, trong căn nhà vốn đã quen thuộc với tôi hơn hai mươi năm qua do thường tới lui để giúp bà ấy về sức khỏe và chuyện tu hành…, tôi thấy con cháu, họ hàng của bà ấy đã tề tựu đông đủ. Gặp mặt, họ gật đầu chào hỏi tôi rất thân tình. Người con trai cả vừa rót nước mời, vừa trình bày:
– Mẹ con ăn ít đã hai ngày qua, chỉ ăn chút cháo và nước yến, sáng giờ thì không chịu ăn uống gì cả mà cứ quay mặt vô tường, nói như mê sảng, tụi con sợ quá nên gọi chú vào xem thế nào.
Niệm Phật – Ảnh minh họa
Tôi đến bên giường, thấy bà ấy nằm nghiêng mình bên phải, quay mặt vào vách. Phải chú ý lắm tôi mới nghe được tiếng bà đang niệm Phật, câu A Di Đà Phật thì thào, trầm đục, thỉnh thoảng như tắc nghẹn, nhẹ như gió thoảng. Tôi khẽ lay vai bà ấy, bà nói ú ớ như mê sảng:
– Không, tôi không đi với mấy người đâu, tôi chỉ theo Phật A Di Đà thôi.
– Bà ơi, tôi đây mà, tôi vào thăm bà đây.
Bà ấy quay mặt ra theo sức lôi nhẹ của bàn tay tôi, cố nhướng đôi mắt sưng bụp, đùng đục nhìn tôi bằng ánh mắt vô hồn, nói với giọng líu ríu trong miệng:
– Nhiều người lắm, họ lôi kéo, kêu tôi đi theo họ, có cả cha mẹ và ông bà tôi nữa. Tôi không đi, nói chờ Phật A Di Đà tới rước, họ không chịu, lôi tôi hoài.
Tôi không trả lời, lặng lẽ xăn tay áo bà lên đo huyết áp và bắt đầu khám. Huyết áp bị tụt và kẹp, một tình trạng rất xấu. Tiếng tim đập rất nhanh, nhỏ, mờ khó nghe, tiếng đập như tiếng ngựa phi…, tay chân bà phù nhiều và đã bắt đầu lạnh.
Tôi quay trở lại bàn tiếp khách, báo cho con cháu bà ấy biết là tình hình rất xấu, bà ấy sắp ra đi, đồng thời nói luôn ý của tôi là nên để bà ấy ra đi cho nhẹ nhàng vì giờ có tiêm thuốc cũng không có tác dụng gì mà chỉ gây đau đớn, phiền não cho bà ấy mà thôi.
Nghe tôi báo, con cháu bà ấy dù đã dự đoán được tình hình nhưng họ cũng sững sờ, buồn đau, mấy người nữ bật khóc, còn đàn ông thì cũng chết lặng, thỉnh thoảng đưa tay áo lau vội dòng nước mắt tuôn trào. Thấy vậy tôi nói với giọng dứt khoát:
– Thôi, các anh chị đừng quá đau buồn, quy luật cuộc sống mà, ai cũng phải tới ngày này, đến một ngày tôi và các anh chị cũng sẽ phải ra đi như bà cụ thôi, không ai có thể tránh khỏi cả. Nhưng có một điều rất quý ở đây là cả đời bà cụ bền bỉ niệm Phật, tu hành, cụ đã nguyện vãng sinh về với Đức Phật A Di Đà ở Tây phương Cực lạc. Giây phút này bà cụ rất cần tĩnh tâm, hướng tất cả vào tín nguyện suốt đời của mình, ta không nên khóc mà gây sự lưu luyến, xáo động. Hãy cùng nhau đến bên giường niệm Nam-mô A Di Đà Phật để cho bà cụ nghe, hỗ trợ cho cụ mạnh mẽ nhất tâm về Tây phương Cực lạc.
Theo lời tôi, mấy người phụ nữ cố nín tiếng khóc, cùng đến bên giường, đồng chắp tay, lớn tiếng niệm Phật A Di Đà, tiếng niệm của họ vừa tức tưởi xen lẫn tiếng hít mũi, lạc giọng, thỉnh thoảng có người bỏ chạy ra ngoài để khóc… Đâu phải gỗ đá đâu mà không đau đớn khi người thân sắp vĩnh viễn ra đi.
Những người đàn ông trong nhà, sau phút rối trí đã bình tĩnh lại, cùng bàn bạc chuẩn bị hậu sự cho mẹ, bà của họ. Giây phút này mới thấy tầm quan trọng của sự bình tĩnh để giải quyết sự việc, tính cách này thường thấy ở đàn ông, còn mấy bà cứ đụng chuyện là nước mắt cứ vội tuôn. Tôi âm thầm nghĩ vậy và đem máy đo huyết áp lại giường bệnh kiểm tra. Giờ thì huyết áp đã hết đo được, tiếng tim thật nhỏ, mờ… Biết bà ấy sắp ra đi, tôi kề tai nói lớn ba lần:
– Chỉ theo Phật A Di Đà thôi, không theo ai khác nghen cụ.
Sau đó, tôi kêu tất cả con cháu của bà ấy đến chung quanh giường, đồng thanh niệm Nam-mô A Di Đà Phật liên tục. Khoảng vài phút sau, tôi khám lại và tuyên bố bà ấy đã mất. Bầu không khí chết lặng rồi vỡ òa. Người gọi điện, người chạy tới lui điều động chuẩn bị lễ tang, một số con cháu vẫn tiếp tục đứng chắp tay bên cạnh giường niệm Phật A Di Đà để trợ niệm cho bà ấy.
Tôi thấy việc của mình đã xong nên giã từ ra về. Người con cả bước theo ra cổng tiễn tôi, đồng thời ngỏ lời cảm ơn tôi đã đến lo cho mẹ cậu ấy đến phút cuối đời. Tôi nắm tay dặn cậu ấy ráng lo cho mẹ, bảo mai tôi sẽ trở vào dự đám, rồi lên xe ra về.
Trời về khuya, trăng đã lên cao, ánh trăng sáng vằng vặc. Có tiếng chim cú kêu đâu đó nghe buồn đến não ruột. Xong một kiếp người, từ đây vĩnh viễn tôi không còn gặp bà ấy nữa, một khách bệnh quen thân như người trong nhà, một người bạn đạo tinh tấn hơn hai mươi mấy năm.
Tuy buồn vì mất một người thân quen, một bạn đạo thuần thành nhưng tôi cũng thấy rất mừng cho người bạn của mình. Bà ấy đến phút chót vẫn giữ được chí nguyện vãng sinh, chỉ về với Phật A Di Đà chứ không theo ai khác dù trong thần thức thấy rất nhiều người lôi kéo, bảo đi theo. Trong thời khắc thân hoại, mạng chung, thân xác đau đớn, ý thức rối loạn, không phải ai cũng đủ sức giữ được chí nguyện như lúc còn khỏe mạnh. Muốn làm được việc đó, lúc còn minh mẫn phải có lòng tin sâu nặng và phát nguyện mạnh mẽ vãng sinh Tịnh độ, thường niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà, niệm sao cho nhất tâm bất loạn, sao cho bất niệm mà vẫn tự niệm thì đến phút cuối đời mới có hy vọng vãng sinh. Bởi người tu như một thân cây, lúc còn tươi tốt nghiêng theo hướng nào, khi cây ngã sẽ theo hướng nghiêng đó mà ngã đổ. Đó là quy luật không thể sai khác.
Trông người mà nhớ đến mình, rồi một ngày nào đó tôi cũng phải như bà ấy, bỏ thân xác tạm bợ này. Liệu tôi có thể niệm Phật đến giây phút cuối của cuộc đời không, hay sẽ hoảng loạn vì đau đớn do thân xác đang phân rã, thần thức rối loạn. Một thoáng rùng mình và đồng thời một ngọn lửa quyết tâm bùng cháy trong tôi. Tôi phải tinh tấn hơn nữa, nhất tâm niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà.
Phạm Tấn Hữu