Chiều 27 Tết, anh bạn người Nhật gởi thư kèm theo câu hỏi thú vị: “Người Việt đón Tết rất trang trọng, ẩm thực Việt rất độc đáo, liệu rằng năm nay có thêm món mới nào để ăn Tết ngoài những món truyền thống mà ở đâu cũng thấy không?”.
Món bánh bó dân gian trên từng theo chân của các phi tần, cung nữ vào chốn cung đình Huế năm xưa.
Vậy là anh bạn sắp qua chơi, lại “cà khịa” chuyện ẩm thực. Cũng có một chút tự ái khi không nghĩ ra món gì mới, bèn đi tìm “sư phụ”: nghệ nhân ẩm thực Hồ Thị Hoàng Anh – hậu duệ của đội trưởng đội thượng thiện cung đình triều Nguyễn.
Nghệ nhân ẩm thực – Phật tử Hoàng Anh – hậu duệ của đội trưởng đội thượng thiện cung đình triều Nguyễn
Cô Hoàng Anh cười giòn tan: “Có một món độc đáo lắm nì, vừa là bánh vừa là mứt. Món ngọt này tưởng là mới nhưng thực ra đã hiện diện lâu đời trong kho tàng ẩm thực Việt mà bị lãng quên… Chạy sang nhà cô rồi cùng tái hiện cho kịp ngày xuân…”.
Hoá ra, cả năm trời nay, cô ấy lục lọi trong sách vở, tìm tòi trong dân gian để thoả mãn một yêu cầu tương tự: mang gì đến lễ hội ẩm thực quốc tế vừa tổ chức tại Bộ ngoại giao – Hà Nội hồi tháng 12 vừa rồi.
Và một món bánh tưởng chừng thất truyền đã “lên ngôi” khi được chọn làm quà tặng chính thức cho 50 vị đại sứ các nước. Ai ăn cũng khen ngợi, không chỉ vì tài khéo, mà còn thể hiện nhuần nhuyễn các sản vật Việt Nam. Món bánh lạ này có tên là “bánh bó mứt “.
Sang nhà, mới hay cô cũng đang chuẩn bị vài mẻ bánh bó để đi biếu Tết bạn bè.
Sự tích bánh bó rất lạ: ngày xưa các nhà vườn ở miền trung, đặc biệt là ở Huế, thường trồng cây ăn trái, mỗi loại một ít nhưng nhiều loại chứ không tập trung như miền Nam. Đến mùa trái cây chín nhiều như mít, thơm, chuối… họ thường phơi khô, gói cất kỹ trên giàn bếp.
Mỗi khi vào dịp kỵ giỗ Tết thì đem ra cắt nhỏ nhồi chung với bột nếp, gói lại trong mo cau thành từng đòn, khi ăn thì cắt lát gọi là bánh bó, rất ngon.
Sau đó để tăng thêm hương vị cho món bánh,các bà nội trợ cho thêm các loại mứt trái cây khác vào như: mứt gừng, mứt kim quít, mứt bí đao ,mứt cà rốt, mứt cà chua, mứt chanh, mứt mướp hương… có khi còn thêm các loại hạt như đậu phụng, mè…
Bánh ăn vào miệng thì mềm mại, vị ngọt thanh lẫn vị the, chua, cay…
hương thì thơm ngát các loại mứt trái cây
Từ món bánh bó dân gian trên, khi theo chân của các phi tần, cung nữ vào chốn cung đình thì món bánh bó dân dã này cũng phải được nâng cao cách chế biến để phù hợp chốn cung cấm cao sang bằng cách sử dụng các nguyên liệu tốt nhất như: dùng nếp thơm ngào với đường phèn loại một, nhào chung với các loại mứt quý như hồng khô, long nhãn, mứt phật thủ, mứt cam sành, mứt trần bì,…
Bánh bó khi dùng thì cắt ra thành từng lát mỏng, dùng giấy kính trong gói lại để có thể nhìn thấy những sợi mứt trái cây đậm nhạt đầy màu sắc xanh, đỏ, vàng, trắng… rất đẹp mắt trông như một tranh lập thể thu nhỏ. Bánh ăn vào miệng thì mềm mại, vị ngọt thanh lẫn vị the, chua, cay… hương thì thơm ngát các loại mứt trái cây.
Cô Hoàng Anh cẩn thận lấy cái hộp mây do thợ Huế làm, phủ một ít dăm bào tre nhuộm màu, để bánh vào và bảo: “Dùng với trà nóng trong ngày xuân nhen. Bánh ngon không thua gì các loại bánh nếp truyền thống của các nước có chung nền văn hoá lúa nước như Nhật Bản, Hàn Quốc…”.
Ngày giáp Tết, giữa Sài Gòn, nghe giọng Huế xưa, nhìn dáng điệu đài các không lẫn được trong từng sự chăm chút nhỏ nhất để ra mẻ bánh ngon, thấy thật phong lưu…
Từ đây, ẩm thực Việt hứa hẹn sẽ có thêm món bánh mới cho ngày Tết thêm ngọt ngào, tinh tế.
Trần Nguyên (TTO, hình ảnh do nhân vật cung cấp cho GNO)