Điểm tựa tâm linh nơi “lằn ranh sanh tử”

GN Xuân – Đến nhiều bệnh viện tại TP.HCM, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những góc tâm linh – tôn trí các thánh tượng chư vị Bồ-tát trong khuôn viên yên tĩnh xanh mát. Đây là nơi nhiều người đến cầu nguyện, gởi gắm niềm tin, mong sự an lành, vượt qua hoàn cảnh khốn khó bệnh tật…


Trong cơn khốn khó về bệnh tật, cầu nguyện là một nhu cầu
chính đáng của con người (Ảnh tại một góc Bệnh viện Nhi Đồng 2) – Ảnh: N.D

Một chỗ tựa nương

Ở Bệnh viện Nhân Dân Gia Định (số 1 Nơ Trang Long, P.12, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), tại khu bảo sinh dịch vụ, là nơi thờ tượng Bồ-tát Quán Thế Âm, nơi mọi người có thể chiêm ngưỡng và cầu bình an cho các con của mình đã chào đời hay sắp chào đời được khỏe mạnh. Chị Phan Thị Diễm Thúy (đường Phạm Văn Đồng, Q.Thủ Đức) chia sẻ: “Tôi đưa em gái đi khám thai, thật tình đây là lần đầu tiên tôi vào bệnh viện này, ấn tượng bởi góc thờ cúng trang nghiêm. Thấy nhiều người đến cầu khẩn tôi cũng lại nguyện cho em gái tôi được mạnh khỏe, đứa bé trong bụng được bình an”.

Còn anh Trần Huy Khánh (đường Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận) thì bày tỏ: “Tôi là một Phật tử nên khi thấy có góc thờ cúng tôi đến lễ ngay. Lần này tôi đưa mẹ vào khám bệnh, chỉ mong sao mẹ nhanh chóng khỏe, sống lâu cùng con cháu để phận làm con thêm cơ hội báo đáp”.

Bệnh viện Chợ Rẫy là một trong những bệnh viện nổi tiếng Sài Gòn, tọa lạc tại 201B Nguyễn Chí Thanh, P.12, Q.5, TP.HCM – với lượng bệnh nhân và thân nhân ra vào mỗi ngày liên tục. Mới nhìn vào thấy bầu không khí ngột ngạt, tuy nhiên khi vào khuôn viên bệnh viện, chúng tôi bắt gặp nơi thờ tự Quán Thế Âm Bồ-tát giữa một hồ nước nhỏ – ngay lập tức có cảm giác bình an len lỏi. Anh Lê Minh Dương (quê Trà Vinh) đưa vợ lên Sài Gòn khám bệnh bộc bạch: “Mấy hôm nay bác sĩ đề nghị vợ tôi cần ở lại bệnh viện để được theo dõi bệnh tình. Mỗi ngày tôi đều ra khu vực thờ tự này để lễ lạy, có khi tôi đứng rất lâu để niệm Phật, mong hồi hướng công đức cho vợ mình nhanh khỏe, cũng như tìm một góc tĩnh lặng cho bản thân”.

Chị Nguyễn Thị Hồng Phượng (Nguyễn Thông, Q.3, TP.HCM) thì kể – mỗi khi đưa người nhà đến Chợ Rẫy khám bệnh chị đều tranh thủ ghé qua để thắp hương cho Mẹ Quan Âm, “cầu mong bình an đến mọi người và cho chính mình”, chị Phượng bày tỏ.

Góc tâm linh tại Viện Tim TP.HCM – Ảnh: Yên Hà

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (14 Lý Tự Trọng, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM), phía sau khu vực căng-tin là nơi thờ Bồ-tát Quán Thế Âm. Ở đây có rất nhiều tượng, vì cứ mỗi gia đình cầu nguyện, họ lại thỉnh một tôn tượng của Ngài, ghi lời cảm tạ và đặt trên bệ đá cạnh nhau. Vì thế số lượng tượng Quán Âm ngày càng nhiều lên. Chúng tôi kịp trò chuyện với cô Nguyễn Thị Huệ (Q.Bình Tân, TP.HCM) đang đưa cháu đi dạo, với nụ cười vui vẻ, cô Huệ cho biết: “Lúc đầu nhìn thấy sao mà có nhiều tượng Đức Quán Âm thế này, nhìn kỹ mới thấy có nhiều lời cảm tạ vì Mẹ gia hộ cho con cái họ hết bệnh. Tôi nghĩ việc làm này cũng hay, các bậc cha mẹ làm vậy cũng vì thể hiện tình yêu với con mình, nhiều khi đang chờ kết quả của bác sĩ, họ đâu biết làm gì, nương nhờ ai, thì chỉ còn cách mong cầu chư Phật, Bồ-tát giúp con họ. Bản thân tôi cũng ra đây cầu nguyện cho thằng cháu, cầu cho nó bình an, khỏi bệnh”.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Nam (quê Long An) nói: “Mấy ngày nay tôi phải xin nghỉ việc để đưa con lên đây khám bệnh, cháu sốt nhiều. Lúc đầu tôi cũng đi vòng quanh để bớt lo lắng, đi một lúc thì tôi tìm thấy khu này, hơi bất ngờ vì có nhiều mẹ Quán Thế Âm quá, tượng to, tượng nhỏ đều có. Thấy vậy tôi chạy ra ngoài thỉnh một tượng đem vào như người ta, cầu cho con mình mạnh khỏe. Tôi nghĩ đây là lòng thành, miễn sao con tôi khỏe mạnh là tôi vui rồi”.

Nhân duyên của những chốn thờ

Được ra đời từ những nhu cầu trị liệu tinh thần của bệnh nhân, góc tâm linh ở mỗi bệnh viện có lịch sử hình thành khác nhau. Có nhiều góc tâm linh hình thành từ lâu đời do kiến trúc tín ngưỡng ban đầu của những người thành lập, hoặc do bệnh nhân, người nhà bệnh nhân sau khi chữa lành bệnh đã đến lễ tạ bằng cách thỉnh các tượng đặt lên, lâu dần nhiều người thân, người nhà bệnh nhân khác cũng đặt tượng thành những góc tâm linh.

Một trong những góc “tĩnh tâm” được hình thành lâu đời từ nét văn hóa của những người thành lập ban đầu đó là Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – với Đại Từ liên xã được xây dựng trang nghiêm, bên trong ngoài thờ Bồ-tát Quán Thế Âm, còn thờ Phật Thích Ca, Di Đà, Địa Tạng…

BS.Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết: “Đại Từ liên xã có từ lúc xây dựng bệnh viện vào năm 1903, lúc đó ở đây là một trạm y tế khiêm tốn với chỉ một Đông y sĩ chuyên chữa trị miễn phí cho cộng đồng người Hoa thuộc bang Quảng Đông đã được hình thành tại địa điểm này. Năm 1919, trạm được xây dựng quy mô lớn hơn với tên mới là Y viện Quảng Đông, hoạt động theo mô hình bệnh viện tư nhân cho đến sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Năm 1978, Y viện Quảng Đông được công lập hóa theo chủ trương của Chính phủ và một thời gian sau được đổi tên thành Bệnh viện Nguyễn Tri Phương”.

BS.Chiến cũng cho biết thêm rằng: “Chúng tôi tôn trọng lịch sử để lại và điều đó không ai chối bỏ được cả nên vẫn duy trì tiếp nối đến nay. Góc tĩnh tâm có ý nghĩa về mặt niềm tin, chính niềm tin làm cho con người sống tốt và bệnh viện thấy có tác động tích cực về mặt tâm lý nên vẫn duy trì, để cho người ta có nơi tịnh tâm. Khi bị bệnh thì cần điều trị về mặt thể chất và tinh thần, những điều thuộc về tâm linh mang tính chất tinh thần – tạo ra một nguồn năng lượng rất mạnh nếu người ta có niềm tin. Khi người bệnh ngộ được sinh, lão, bệnh, tử là quy luật tự nhiên cuộc đời, thì có thể kiến tạo sự an tĩnh cho người thân và cho chính họ, họ lạc quan chiến đấu bệnh tật”.

Đại Từ liên xã trong Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Ảnh: Yên Hà

Người dân cầu nguyện tại một góc Bệnh viện Nhân dân Gia Định – Ảnh: N.Danh

Có những góc thờ trong bệnh viện được hình thành sau này, như ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi Đồng 2 – do người thân và người nhà bệnh nhân đặt lên để tạ ơn và ngày ngày có rất nhiều bệnh nhân, thân nhân đến hương khói và cầu nguyện.

Hoặc như góc thờ Bồ-tát tại Viện Tim TP.HCM, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định được xây dựng rất trang nghiêm, trong khuôn viên rộng rãi, xanh mát, luôn có người trực lau dọn, nhang đèn. Cô Vũ Thị Thục là công nhân đang làm tại Viện Tim cho biết: “Tượng thờ Bồ-tát có mười mấy năm rồi, trước khi tôi vô làm đã có tượng, hàng ngày đều được lau chùi và thắp hương. Có rất nhiều người nhà bệnh nhân, bệnh nhân đến thắp hương, hoặc đứng từ xa lễ bái khi đi ngang qua”.

Hà Vân – Nhã An

Điểm tựa tâm linh nơi “lằn ranh sanh tử”
ZALO - THIẾT KẾ WEBSITE NINH BÌNH
ZALO - THIẾT KẾ WEB NINH BÌNH