Di tích lịch sử “bị” làm mới

Chùa Thiên Phúc được xây lên thêm tầng 2. Kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng tôn giáo cổ truyền của người Việt, là một mảng tâm hồn dân tộc, nó chặt chẽ với bước đi của lịch sử, là trung tâm văn hóa của làng xã, của một vùng hay của toàn dân.Tính đến thời điểm tháng 5/2008, di tích lịch sử -kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng cấp quốc gia là 2.771. Thế mà nay không ít những di tích đó đang được làm mới dưới cái vỏ “trùng tu tôn tạo di tích” .

Ngôi đình …1 tuổi

Ngôi đình vừa được tu bổ sau 2 năm từ 2004 đến 2006. Giáo sư Trần Lâm Biền, Nhà nghiên cứu lịch sử -văn hoá truyền thống  gọi nó là “ngôi đình 1 tuổi”. Đó chính là đình Yên Phụ, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, là ngôi đình duy nhất ở nội thành có niên đại vào thế kỷ XVII và cũng là ngôi đình duy nhất trong hệ thống đình miền Bắc có đại bái dọc chứ không nằm xoay ngang như các ngôi đình khác.

Năm 1986, đình được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Tính tới thời điểm này đình đã được trùng tu 4 lần. Đình thờ Uy Linh Lang và hai em Vương Đôi, Vương Ba. Cả ba vị thần đều là con của Hoàng hậu Minh Đức đời Trần.

Ngôi đình với diện tích 3.500 mét nằm trong một quần thể đẹp ở bán đảo ven hồ, là cửa ngõ phía bắc của kinh thành Thăng Long xưa, với cửa ô Yên Hoa, nay đổi thành Yên Phụ, là nơi nổi tiếng với đào Nhật Tân, quất Nghi Tàm, hoa Tứ Tổng… Tụ hợp trong một bầu không gian trữ tình và cổ kính, từ con đường nhỏ trên dốc Yên Phụ đi lui xuống 50 mét qua cây đa đầu làng là thấy ngôi đình lấp ló.

Cửa đình nhìn ra hồ Ao Vả, phía sau dựa lưng vào phía sóng nước Tây Hồ. Tôi ngắm ngôi đình to lớn, bề thế, và ngạc nhiên quá bởi ngôi đình “mới tinh khôi” chẳng còn chút gì dù là “gợi nét cổ”.

Từ dưới lên trên, sàn nhà, mái nhà, gạch lát nền mới, những cây xà ngang, xà dọc cũng được làm mới hoàn toàn, các bức hoành phi câu đối tươi màu, đường lượn chạm hoa văn trên những đầu góc sát mái đình đều mới cả. Tôi quay sang hỏi bà Trương Thị Điệp – Trưởng tiểu ban Di tích: “Có còn gì cũ không hả bà”.

Bà thủng thẳng: “Tất cả những cột đỡ mái là mới. Mới hết cả, kể cả những cái dầm tường này. Đình to rộng như này, Nhà nước cho tiền, thợ làm mới y hệt như cũ, to rộng hệt như cũ, chỉ có chất liệu là mới thôi”. Rồi bà lại giải thích: “Ý của Bộ Văn hóa là cái nào còn thì tận dụng được đưa lên nhưng bên thầu họ không đưa cái cũ lên vì họ tiện thì làm mới.

Đấy cô vào xem, ông Biền (GS Trần Lâm Biền) bắt hạ cái mới  xuống đưa cái cũ lên cho cổ kính. Cái cũ chẳng dùng được nữa thì Nhà nước mới cho 5 tỉ để làm chứ bỗng dưng ai người ta cho. Đấy cứ bảo cái cũ còn tốt. Nhưng mối mọt đầy ra đấy. Bây giờ đền, chùa nào khó khăn người ta xin, tôi cũng muốn cho ngay đi. Để đấy còn làm được gì nữa đâu”.

Bà bực bội chỉ tay ra ngoài hiên nơi đống gỗ cao ngất ngưởng. Tôi ra xem và thấy, đó là những cây gỗ, kèo cột làm bằng các loại gỗ như lim, soan, dổi, dãi dầm qua bao nắng mưa từng là bệ đỡ cho ngôi đình, nó như xương cốt, hồn phách của ngôi đình nay bị dẹp như đồ phế thải, tủi hờn, biết thân biết phận im lìm một chỗ.

Đè lên những tấm gỗ to là những thanh cột nhỏ hoa văn chạm rồng, phượng uốn lượn, tuy cũ nhưng đường nét tinh tế, uyển chuyển khác với những đầu rồng mà người thợ chạm  làm mới đường nét vụng dại, thô sơ và có phần quê kệch. Thế mà nay tất cả những đường nét thanh tú và những gì thân thương từng gắn bó với con người qua bao nhiêu thời khắc của lịch sử lại như đồ “đồng nát”.

Tôi bước trên những bậc đá màu bạc xa lạ và mới hoàn toàn dẫn vào cửa đình, những bậc đá này nó có khác gì bậc lên xuống của một công ty hay cơ quan địa phương đâu cơ chứ. Bà hỉ hả bảo: “Tất cả những thứ được thay thế bằng chất liệu gỗ đều sử dụng gỗ lim Lào nên mấy trăm năm nữa cũng chẳng phải thay gì”.

Theo bà, đình mới hoành phi phải mới, chính thế nên tôi trông 6 bức hoành phi cũ còn sót lại duy nhất trong ngôi đình có từ thời Lê được sơn lại đỏ quạch, nom “dài dại” thế nào ấy!

Chẳng hiểu đồ cũ hỏng đến thế nào mà từ cửa, cánh cổng, bức cuốn thư, những con nghê, con rồng, phượng gắn sứ đắp trên các đầu cột, trên mái đình đều được thay mới toanh, lạ lẫm, trơ lì. Vẫn thơm mùi gỗ mới  mà vô hồn, chất liệu được coi là tốt mà xa lạ.

Bà cáu kỉnh: “Có ông chuyên gia bảo đình này 400 năm tuổi mà giờ chỉ còn 1 năm tuổi. Tôi nghĩ được bao tuổi thì được. Cái cũ nó “ăn” vào cái mới, không chữa đi cái cũ tự nhiên nó đổ lăn đùng…”.

Bà nói nhiều, tai tôi ù đi. Tôi liên tưởng đến câu chuyện mà vị giáo sư ở Cục Di sản có nói: “Đừng bắt tôi gọi ông già khác bằng bố”. Câu chuyện thế này: Giáo sư coi di tích như ông bố của mình, thời gian làm cho ông cụ đau ốm, vị giáo sư đưa bố đến bác sĩ để chữa. Bác sĩ đem vứt thẳng ông bố của vị giáo sư vào sọt và đưa đến cho vị giáo sư một ông già khác na ná như thế và bảo “bố của ông đây”.

Mặc dù ông cụ khác rất khỏe mạnh, cường tráng, điều đó, cứ thử nghĩ mà xem làm sao có thể chấp nhận được. Vị giáo sư không đồng ý đã xung đột với bác sĩ: “Bố tôi là bố tôi chứ không thể thay thế bằng ông già na ná khác để bảo là bố tôi được. Cho nên cũng như di tích, những gì của nó phải là nó, chứ không thể thay thế hoàn toàn đi bảo đấy là cái đình gốc. Không ai có thể chấp nhận chuyện ấy”.

Xây cho chùa cao, cao mãi…!

Chùa Thiên Phúc ở số 94 phố Hai Bà Trưng, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm  Hà Nội cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện. Từ ngoài cửa thợ gọi nhau í ới trên dàn giáo cao tít ở bên dưới ngổn ngang, gạch đá, xi măng, sắt thép… Chùa đang được làm mới do cánh thợ đến từ Bắc Giang, Bắc Ninh đảm nhiệm.

Nghe nói dân cúng tiến rất nhiều tiền cho việc trùng tu tôn tạo, từ giờ đến cuối năm sẽ cố gắng hoàn tất công trình cho xong. Ngày xưa chùa một tầng bé con con, nay được xây mới hai tầng to cao bề thế. Tôi bước vào trong xem từ những bậc cầu thang lên tầng hai, lư đồng, lư hương, dọc hai hè những cột đá trang trí chi chít hoa văn rồng phượng…

Thượng tọa Thích Thanh Hưng – trụ trì chùa tiếp tôi trong căn phòng thờ Tổ, ông nói tâm nguyện cả đời là được xây sửa lại ngôi chùa theo ý mình, giờ nhìn thành quả tuy chưa xong nhưng đã mãn nguyện lắm. Theo ý sư thầy, ngôi chùa là di tích lịch sử đã được xếp hạng nên Nhà nước không cho làm mới, muốn sửa chữa trùng tu, tôn tạo gì thì cũng phải tuân theo cái nó đã có.

Nhưng khổ nỗi hiện nay các nhà xung quanh chùa là khách sạn, nhà hàng, văn phòng xây cao chót vót, nằm sát chùa, mà chùa thì bé nhỏ một tầng nằm lọt thỏm trong không gian đấy. Ngày nắng, ngày mưa, người thì ở trên cao, tượng Phật thì ở dưới thấp. Bao nhiêu năm qua được dân cúng tiến công đức, nhà chùa tích cóp quyết xây mới lại ngôi chùa.

Nhà nước có duyệt bản thiết kế chùa chỉ được làm cao thêm lên 1 mét, nhưng sư thầy bảo xây thêm 1 mét nữa đáng là bao. Bây giờ đất chật người đông như nêm cối, khách xa gần đến lễ cứ đứng chen chúc, chật chội trong chùa, ít nhiều mất đi vẻ tôn nghiêm, thanh quý.

Muốn bước vào tương lai, hãy ngoái nhìn quá khứ

Cho tới thời điểm hiện nay, hàng trăm di tích ở nhiều địa phương đã được tu bổ xong. Ở nhiều nơi sau khi tu sửa chỉ còn lại những công trình kiến trúc được làm mới có phần “lai căng”, vênh váo. Để tìm hiểu thực chất vấn đề đó ra sao, chúng tôi đã gặp Giáo sư (GS) Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu lịch sử – văn hóa truyền thống – Cục Di sản – Văn hóa, Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch.

Phóng viên (PV): Thưa GS, có phải việc trùng tu, tôn tạo bất cứ di tích lịch sử nào cũng là thực sự cần thiết hay không? Và khi thực hiện công việc này, dứt khoát phải giữ nguyên nét kiến trúc truyền thống  như ban đầu hay là có thể cách tân hoặc cải biến?

GS Trần Lâm Biền: Trước hết, chúng ta phải hiểu ý nghĩa của trùng tu là làm đúng như kiến trúc nghệ thuật cũ, thì đó là việc không thể thực hiện được ở tuyệt đại đa số các di tích. Chính vì thế, nên trong quá khứ đã không hề có việc trùng tu và điều này càng không có trong hiện tại.

Chúng ta chỉ tu bổ các di tích lịch sử, cố gắng để giữ được cái “thần” tức là tinh thần văn hóa, yếu tố văn hóa. Hiện nay, mỗi công trình văn hóa tu bổ được 70%  như gốc cũ đã là một sự may mắn lắm rồi.

Nước ta đang có hiện tượng tu sửa tràn lan, chính điều này đã phá đi không biết bao nhiêu di tích văn hóa. Mỗi lần phá đi xây lại thì dấu ấn về văn hóa, lịch sử, xã hội bị bào mòn khiến cho cái nhìn của con người về di sản văn hóa mất đi sự chính xác.

Di sản văn hóa, ngoài giá trị nghệ thuật hay tín ngưỡng thì đối với dân tộc ta, cái căn bản, cốt lõi là phản ánh các vấn đề văn hóa, tinh thần, lịch sử, xã hội. Vì vậy, tu bổ không đúng, xóa bỏ tùy tiện các dấu tích cũ sẽ dẫn đến nhận định sai lầm về các thời kỳ xã hội trước.

Đáng tiếc thay, điều đó lại rất hay xảy ra trong giai đoạn hiện nay,  trong nền kinh tế thị trường, khi mà đã và đang “đẻ” ra rất nhiều công ty gắn với nghề tu bổ di tích. Tôi không hiểu tại sao lại có chuyện đấu thầu trong việc tu bổ di tích giữa các công ty.

Thực chất, hầu hết những người tham gia đấu thầu rất thiếu hiểu biết về di tích, nhận thức về tu bổ còn thấp và người ta lấy lợi nhuận cao hơn giá trị văn hóa. Một số người xây dựng đề án di tích có tính chất chung chung và nhiều khi lại “tố” lên không đúng với sự thực do không nắm về chuyên môn, lịch sử văn hóa, giá trị nghệ thuật di tích, không hiểu tâm lý của dân tộc.

Họ chỉ cố gắng làm sao thay thế được càng nhiều thì lời lãi nhiều hơn. Nhưng họ không biết rằng chính tâm lý dân tộc quyết định những đường nét của nghệ thuật, cho nên tất cả những dấu tích cũ, là hồn cốt, là bộ mặt của di tích.

Thay thế hoàn toàn những cái cũ mà vẫn bảo đấy là di tích gốc thì theo tôi, nhìn từ góc độ văn hóa, đấy là “kẻ phản động” về bản sắc văn hóa dân tộc, “phản động” trong vấn đề di sản văn hóa truyền thống. Tôi chưa nói đến việc đó có thể coi như phản bội Tổ quốc, vì anh đã đặt quyền lợi cá nhân cao hơn quyền lợi dân tộc, thì tức là anh đã phản bội cả quá khứ, hiện tại lẫn tương lai. Đó là hành động tội lỗi. 

Trần Mỹ Hiền(CAND)

ZALO - THIẾT KẾ WEBSITE NINH BÌNH
ZALO - THIẾT KẾ WEB NINH BÌNH