Đẹp có trước có sau

GN – Hồi mới tập tành cắm hoa, cả buổi vẫn chỉ được vài bình hoa. Cắm thế nào nhìn vẫn cứ xấu, không bằng quý thầy cứ xoẹt vài cái là ra đủ kiểu dáng hoa.

Ở nhà, cứ mỗi lần rằm, mồng một, mạ đi chợ mua bó hoa cúc li ti còn nguyên gốc rễ. Ba lấy dao cắt ngang gốc sau đó cho nguyên vào bình thành một chùm và đặt lên bàn thờ cúng Phật. Tôi đi mấy chùa, nhà người quen ở Hà Nội cũng thấy người ta chưng hoa nguyên bó ngang hàng nhau chứ không kiểu cách như miền Trung, miền Nam.

Mỗi lần tâm hồn được nhẹ nhàng thì dòng sông thêm phần nặng nhọc.
Trong ảnh, hoa đăng thả ở sông Sài Gòn do chùa Diệu Pháp tổ chức dịp lễ Vu lan – Ảnh: TNO

Ở chùa, quý thầy cắm hoa, còn các điệu thì chỉ được ngắm để học lóm và chờ hốt rác đem đổ. Khi các điệu lớn lên thì thay quý thầy, bởi thế ở chùa ai cũng cắm được hoa. Cắm hoa phải cân đối, chỉ có những nơi cần chút nghệ thuật thì có thể tạo dáng. Ôn trú trì vẫn luôn để ý đến việc mấy anh em cắm hoa. Có một lần đang cắm hoa, Ôn đi ngang qua khen đẹp nhưng mà đẹp vô hậu. Ai cũng ngớ người không hiểu đẹp vô hậu là đẹp kiểu gì, là đang khen hay chê. Người Huế dùng từ vô hậu kiểu như dùng từ dễ sợ trong giao tiếp thường ngày khi cảm nhận về một vấn đề nào đó. Chẳng hạn như khi khen ngon thì nói ngon dễ sợ, ngon vô hậu; khen đẹp thì nói đẹp dễ sợ, đẹp vô hậu…

Sau sự bất thần của đệ tử, Ôn nói, cắm hoa phải ngó trước ngó sau chứ đừng để thiếu hậu. Thì ra cắm hoa kiểu gì đi nữa cũng phải cắm phía sau. Hèn chi trước đó, có chú Sa-di cắm hoa chỉ được mặt trước, còn phía sau để trống. Có thầy đi ngang qua góp ý thì chú bảo rằng, phía sau có ai thấy đâu mà phải cắm. Thầy nói, cắm hoa cúng Phật hay cắm hoa cúng người sống, cắm hoa không phải chỉ cắm phía mình thấy. Người ta thường chỉ quan tâm đến cái trước mắt mình mà quên rằng việc mình đang làm để làm gì. Đúng là cắm hoa không phải để mình thấy mà cắm hoa còn là một cách sống. Người Huế coi trọng việc sống cho có hậu, sống mà vô hậu thì đời con đời cháu không ra chi. Sống có trước có sau, làm gì cũng nghĩ đến cái hậu. Làm cái nhà cũng nghĩ đến xây thế nào để có tiền có hậu, trồng một cây kiểng cũng cành tiền cành hậu huống hồ giữa con người với con người.

Không chỉ có hoa mới đẹp mà hành động cũng cần phải đẹp. Nói chuyện đẹp có trước có sau lại miên man đến những chiếc đèn hoa đăng thả trên sông. Ở Huế, những tối cuối tuần hoặc ngày sóc vọng, đi dọc sông Hương thế nào cũng thấy hoa đăng lung linh giữa dòng như cả ngàn ngôi sao trôi trên mặt sông tạo nên một nét thơ mộng huyền ảo. Người ta thả hoa đăng không phải để đẹp mà trong tâm thức Huế, hoa đăng mỗi khi thả xuống đều mang một lời cầu nguyện cho mình, cho người. Dòng sông Hương cũng vì thế mà còn được xem là dòng sông tâm linh của xứ Huế, tựa hồ dòng sông Hằng của Ấn Độ.

Ngày trước mỗi lần muốn thả hoa đăng thì phải bỏ công mua giấy về cắt dán làm hoa; cây đèn cầy cắt ngắn từng khúc. Giờ thì không phải làm, chỉ cần a-lô một tiếng là có ngay mấy ngàn cây để thả. Chất liệu của hoa đăng là giấy màu, mỏng vì thế khi thả xuống nước chỉ được năm bảy phút thì chìm nghỉm. Có Phật tử nói để con mua loại chén nhựa tái chế về kết thành hoa đăng để thả được lâu hơn. Tôi nói, thả xong rồi có ai vớt lại không hay để nó chìm xuống sông. Mà chìm xuống sông thì ô nhiễm ở đó chứ ở mô.

Không chỉ đèn được kết từ nhựa tái chế mà cánh hoa đăng cũng được thay thế bằng xốp nhựa, cứng hơn, dai hơn lại không thấm nước. Còn cây đèn cầy ngày trước cắt đôi cắt ba, gắn vững trong đèn hoa đăng là cả một vấn đề, giờ đây được thay thế bằng một loại đèn cầy đựng trong nắp kẽm, hoặc ly thủy tinh, cháy đến mấy tiếng đồng hồ chưa tắt. Đúng là tiện, thắp được lâu và đẹp hơn thật. Nhưng sau mấy tiếng đồng hồ hoa đăng ấy sẽ trôi dạt về đâu. Người đi cúng, người đi thả, người cầu nguyện để tấm lòng trải rộng giữa dòng sông. Và rồi khi hương tàn, rượu nhạt thì ai về nhà nấy, để lại cho dòng sông sự dật dờ cả đống đèn hoa đăng không thể tan được.

Mỗi lần tâm hồn được nhẹ nhàng thì dòng sông thêm phần nặng nhọc; mỗi lần ta cầu nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc thì dòng sông thêm một lần hứng chịu cả ngàn vạn hoa đăng và đời con đời cháu lại chịu thêm những hậu quả của ô nhiễm. Ở chùa có từ “viên mãn” nghĩa là tròn đầy. Mà được tròn đầy thì phải có trước có sau. Vẻ đẹp dòng sông được nâng tầm, tâm hồn được giải thoát, tâm linh được thực hiện nhưng vẫn không thể tặng cho hai từ viên mãn được. Ờ, thì viên mãn làm sao khi những thứ sót lại sau khi phóng đăng khiến cho dòng sông nặng trĩu rác rưởi, viên mãn làm sao khi nó trôi về hạ nguồn và viên mãn làm sao khi đến đời cháu đời chắt những hoa đăng đó vẫn chưa hề phân hủy.

Dòng sông đẹp, thơ mộng hơn khi hoa đăng lấp lánh. Tâm hồn con người nhẹ nhàng hơn khi biết cúi đầu cầu nguyện cho tha nhân. Và phải chăng, cần phải đẹp trọn vẹn có trước có sau như một bình hoa chứ đừng đẹp vô hậu. Công đức ấy mới viên mãn và quý biết bao.

Phan Chi Nguyên

________

* Phương ngữ xứ Huế: mạ-mẹ, mô-đâu…

Đẹp có trước có sau
ZALO - THIẾT KẾ WEBSITE NINH BÌNH
ZALO - THIẾT KẾ WEB NINH BÌNH