GN – Tuổi thơ của tôi gắn liền với tỉnh Quảng Trị, nơi có con sông Thạch Hãn chảy qua. Mùa mưa dầm rét buốt lạnh thấu xương. Mùa nắng gió Lào thổi về cháy thịt phỏng da.
Nhưng với một đứa bé chín mười tuổi như tôi mấy mươi năm trước chẳng những không thấy sự khắc nghiệt của thời tiết mà vẫn vui chơi bên bờ sông, bên mái chùa yên tĩnh.
Hoạt động tôn giáo cũng vậy. Chúng tôi đi chùa lễ Phật, tham gia Gia đình Phật tử như là một hoạt động bình thường trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây.
Nam nữ oanh vũ Gia đình Phật tử háo hức đón mừng Phật đản – Ảnh: H.Đ
Học Phật, học hát, học múa… Nghe những bài giảng về sự tích Đức Phật Thích Ca, những câu chuyện về tiền thân của Đức Phật qua giọng kể của thầy trụ trì. Nghe những lời dặn dò của các anh chị huynh trưởng về những gương hiếu hạnh… Thi thoảng trong ký ức tôi vẫn văng vẳng những lời và giai điệu của những bài hát sinh hoạt Gia đình Phật tử năm xưa: Vui ca lên, Dòng A-nô-ma… “Nào chúng mình ra quây một vòng hát mà chơi”…
Chúng tôi còn tập kịch nữa. Tôi còn nhớ khả năng kịch nói của tôi chỉ đóng những vai phụ, rất phụ nữa. Thí dụ đóng vai trò quân lính. Khi mới ra chiến trường (mới ra sân khấu) thì bị một mũi tên địch bắn trúng, theo kịch bản, tôi chỉ thốt lên tiếng “a!” rồi lăn đùng ra chết. Hay như trong hoạt cảnh “Dòng A-nô-ma”, tôi và một số bạn nằm trên sàn diễn dùng tay làm động tác sóng, mặc cho các bạn khác đóng vai Xa-nặc quyến luyến thái tử Tất-đạt-đa khi thái tử nhất quyết ra đi tìm ánh đạo vàng. Thế mà sau màn diễn được khán giả vỗ tay rần rần, tôi có cảm tưởng như khán giả tán thưởng mình!
Để có những ngày vui của tuổi thiếu niên, tôi lại nghĩ đến những dại khờ của tuổi ấu thơ. Hồi đó tôi sợ nhất là… đi chùa. Vừa đến cổng chùa là gặp Ông Thiện và Ông Ác. Vừa nắm áo mẹ, vừa nhắm mắt chạy nhanh qua cổng chùa không dám nhìn vào mặt hai ông, nhất là Ông Ác, mặt mày hung dữ cái lưỡi dài như muốn ăn thịt con nít! Rồi khi vào chánh điện, khi buổi lễ bắt đầu, ba hồi chuông trống Bát-nhã vang lên thì tim tôi muốn văng ra ngoài…
Nhưng ngày kỷ niệm Phật đản là ngày vui nhất. Chúng tôi được vui chơi thỏa thích và đặc biệt được phát những chiếc bánh in được gói trong giấy ngũ sắc xanh đỏ tím vàng.
Cứ thế tuổi thơ tôi sống trong vòng tay của thầy trụ trì, của các bác gia trưởng, của các anh chị huynh trưởng, cuộc sống như là thần tiên.
Hồi đó cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, nhưng sao người ta sống hiền hòa, như thể ai cũng là… tiên cả.
Tôi từ giã cuộc sống thần tiên của tuổi thơ để theo gia đình về Huế khi học xong bậc tiểu học.
Cuộc đời đưa đẩy tôi đi dạy học ở Đà Lạt. Chùa Linh Sơn là một chùa lớn của thành phố, lại là chùa Tỉnh hội thời bấy giờ, nên khách thập phương vãn cảnh tấp nập. Mùa Phật đản năm ấy, cùng với dòng người đông đảo ở xứ hoa, tôi theo nếp nhà đến chùa lễ Phật.
Hình ảnh không quên trong lòng…
Một hình ảnh không quên, tôi vẫn nhớ như in, một số em thiếu nhi Phật tử đang vui đùa múa hát bên người chị trưởng. Gương mặt thanh tú, đôi mắt sáng, trang phục áo dài màu lam giản dị của người chị trưởng thật sự cuốn hút tôi. Tự nhiên hình ảnh quá khứ lại về, tôi đã tìm thấy tôi, một cậu bé đoàn sinh Gia đình Phật tử. Và lạ thay, không phải đợi đến bảy giờ đêm, tôi đã thấy một nàng tiên đang vui chơi múa hát bên đàn em nhỏ.
Sau đó tôi có dịp hoạt động Phật sự bên cạnh em. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn vì gia đình em chuyển về Sài Gòn.
Tôi thầm cám ơn em đã cho tôi một tình yêu trong sáng với những rung cảm đầu đời.
Cứ như thế, tôi đến với đạo Phật từ thuở ấu thơ nhẹ nhàng, thanh thản không vướng bận một chút phiền não.
Cao Huy Tấn