“Chịu khó quan sát thật kỹ, sẽ không khó để bạn chọn được rau an toàn vệ sinh thực phẩm cho cả gia đình”.
Đó là lời nhắn gửi của bà Nguyễn Thị Giỏi – Chi hội trưởng Hội Phụ nữ xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM, người đã nhiều năm giữ vai trò tổ trưởng tổ rau sạch ở địa phương này. Rau an toàn là loại rau không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không có phân urê, không nhiễm kim loại nặng, không có vi trùng và ký sinh trùng sau khi thu hoạch. Bà Giỏi chia sẻ cách để phân biệt rau an toàn (RAT) và rau không an toàn (RKAT) như sau:
– RAT có màu nhạt hơn và không mượt, bóng như RKAT. Đặc điểm này không chỉ đúng cả với rau ngót, cải, cà chua, rau muống và cả với bắp cải. Bẹ ngoài cùng của rau trông rất cứng và ít độ bóng.
– Cành, bẹ của RAT sẽ thưa thớt hơn RKAT. Đặc điểm này thể hiện rõ nhất trên rau dền, mồng tơi, cải… RKAT cho ta cảm giác chúng có sức sống rất mãnh liệt, cành bẹ mập to chi chít, nhiều đọt non đâm lên tua tủa. Còn RAT cho ta cảm giác chúng già nua, ốm yếu.
– Đặc biệt, RAT do không được xịt thuốc trừ sâu trong thời gian gần thu hoạch nên có hiện tượng sâu non bò và ăn lá rau tạo hình vằn vện hay hình vầng trăng khuyết và những lỗ nhỏ li ti; còn RKAT không có đặc điểm này.
– Vị của RAT đậm đà hơn RKAT nhưng lại cứng hơn. RKAT cho ta cảm giác mềm nhưng vị rất nhạt nhẽo.
– Thời hạn bảo quản trong tủ lạnh của RAT cũng dài hơn so với RKAT. Thường
chỉ khoảng 2 ngày là RKAT sẽ bị dập lá úng thân; còn với RAT, có thể bảo quản được đến 4 ngày.
– RAT thường được đóng gói, ghi xuất xứ rõ ràng và có giá bán cao hơn RKAT.
Minh Tuệ (Thanh Niên)