Cha tôi

Ảnh minh họa từ internet

GN – Tôi có cha, song không sống với người ngày nào, và người cũng đã mất. Cha nuôi, cũng như cha ruột. Cha nuôi sống ở thành phố cuối cùng của đất nước, tuổi đã ngoài tám mươi. Cạnh khu hành chính uy nghi là cụm nhà do cha tạo dựng, như ở quê: có vườn, có chuồng trại, phần mộ của mẫu thân…

Đất của cha rộng vào loại nhất nhì thành phố, lại ở vào vị trí đắc địa, song người cứ như lánh đời, chẳng kinh doanh mua bán gì hết. Một ngàn mét vuông mặt tiền được ông “quy hoạch”: xây ki-ốt cho thuê, một loạt ki-ốt được người ta sử dụng làm văn phòng bán vé xe, tiệm uốn tóc, sửa máy tính, sửa xe gắn máy… Cha và cả gia đình “lánh” vào phía sau với một dãy phòng, chia cho mỗi người con một phần. Ở trung tâm thành phố mà sáng sáng nghe gà gáy ó o, lan nở tím biếc lủng lẳng trên cao, chỗ này hòn non bộ, chỗ kia bàn uống trà…, có lẽ cả thành phố này chỉ có một. Có người nói cha lập dị, có người cảm thông, có người lại thán phục.

Cha có một quá khứ mà tùy quan điểm, mỗi người nhìn khác nhau. Ông từng phục vụ rất lâu trong quân đội, có chức vụ và cấp bậc thuộc loại trọng yếu. Và ông được đào tạo với chuyên môn sâu. Tất nhiên ông cũng có một quá khứ đau khổ với nhiều nước mắt… Và, như thế có lẽ đủ để lý giải về “cảnh giới” ông ẩn mình trong ấy.

Ở đời tôi rất thấm thía chữ duyên, tôi và cha đúng là có duyên. Hơn chục năm trước,  sau khi đã tan như xác pháo, không tài sản, không việc làm, lại chẳng có gia đình, tôi gặp ông – trên tay tôi là xấp vé số. Tôi sống với ông, trong “vườn địa đàng” có một không hai ở thành phố này.

Trong khoảng một năm, ông dành cho tôi rất nhiều. Tôi được ăn uống tốt, được gỡ rối tâm trí bởi sự sẻ chia, và được học nghề. Hồi ấy, trong hoàn cảnh chẳng sung túc gì, ông dành cho tôi những gì có thể. Thậm chí tôi còn được đi du lịch.

Quan trọng hơn là ông nói với tôi rất nhiều, những gì ông nghĩ cần cho đứa con nuôi trong cuộc đời hỗn mang. Nhân đạo – nội dung chính mà ông dạy nằm ở đấy. Và trong hoàn cảnh nào cũng không vi phạm luật pháp.

Lại sức, tôi lăn vào dòng đời. Những lời dạy dỗ của người cha nuôi luôn ở cạnh tôi. Mỗi khi có thể, tôi lại lên xe vù xuống thăm cha, ngồi bên cạnh hòn non bộ, nghe người chỉ dạy, và nói cho cha nghe về những khó khăn của mình. Bao giờ thăm cha về lòng tôi cũng nhẹ nhõm. Có thể nói, ông đã đóng một vai trò quyết định trong đời sống tình cảm của tôi, một người thiếu cha ngay từ bé.

Nhớ cái Tết nọ tôi bị tai nạn giao thông. Lúc cả thiên hạ ăn Tết, tôi máu me đầm đìa trong phòng cấp cứu, xung quanh chẳng có ai. Chuyển về trại chấn thương, tôi chống nạng gỗ đến điện thoại công cộng gọi cho cha, và người đến ngay. Làm sao có thể quên được ông già đi đứng liêu xiêu xách túi quà bắt xe ôm đến bệnh viện tìm tôi, và ông ngồi lại rất lâu. Tôi nói “con rất tủi thân”, ông nhẹ nhàng “có gì mà tủi, con”, nhưng người nói xong đã quay mặt đi…

Những lúc khó khăn chồng chất, nghẹt thở, tôi bế tắc. Đến bên tôi, cha nhỏ nhẹ: “Binh pháp nói rõ: ông trời không gí ai vào đường cùng”, tôi đứng lên. Ngày có bạn gái, tôi đưa cô ấy đến thăm cha. Chẳng bao lâu sau vụn vỡ, cha buồn, nhưng vẫn nói “cô đó hiền”. Và cha kể về thời trai trẻ, vì nghèo mà mấy lần lỡ dở, “một lần như thế, gượng dậy mất mấy năm”, nói xong người thở dài.

Nay người trông già đi nhiều, yếu đi. Người nói nhỏ với tôi: “cậu hãy nhớ tất cả những gì tôi đã dặn dò”- tôi hứa, mà mắt cay cay. Cha nuôi mà như thế, hỏi có mấy ai. Tôi không bất hạnh. Phải không? 

Thành Công

Cha tôi
ZALO - THIẾT KẾ WEBSITE NINH BÌNH
ZALO - THIẾT KẾ WEB NINH BÌNH