GN – Buồn vui là biểu hiện bình thường của con người. Nhưng, là Phật tử, học Phật, ta phải thực tập để chuyển hóa buồn vui một cách nhẹ nhàng, để không bị lệ thuộc vào cảm xúc thường tình này mà đánh mất tự chủ, khiến mình lên bờ xuống ruộng, trồi sụt, phiền não ngất ngư…
Là Phật tử, học Phật, ta phải thực tập để chuyển hóa buồn vui một cách nhẹ nhàng
Đa số, con người ta vui ít, buồn nhiều, vì đa mang, vì lòng chật hẹp nên dễ bị tác động bởi ngoại cảnh, khó tha thứ nên ôm ấp hoài, không biết cách nên cứ để cho những chuyện thị phi chi phối… Do vậy, mình tự khổ và cũng làm khổ nhiều người. Thực ra, khi mình chưa thể tự chuyển hóa nỗi buồn, niềm vui thành sự an lạc, tự tại thì mình cũng không thể giúp người khác chuyển hóa được. Ngược lại, chính mình trở thành nhân tố gây cho người khác nỗi bất an, tưới tẩm những muộn phiền trong người, góp phần tạo nên không gian đau thương cho cuộc sống.
Đừng có quá đau khổ, đừng quá buồn phiền. Lời khuyên đó chúng ta từng được nghe nhiều, nhưng sẽ là phiến diện nếu chúng ta không quán niệm (nhìn sâu) để thấy và hiểu vì sao lại không nên cất giữ, ôm khư khư nỗi buồn. Như đã nói, nếu buồn mà mình không buông, không chuyển hóa, thì trước tiên hại cho mình.
Lâu nay, chúng ta bị lý lẽ, “đó là chuyện đáng buồn” như một cách hợp thức hóa – đưa mình tới chỗ giữ lại nỗi buồn – đối với những việc cụ thể nào đó, rồi thành thói quen, dần dà quen với phản ứng trước mọi việc là nỗi buồn chực chờ xô tới, lấn át bản thân, chiếm lĩnh toàn bộ bên trong mình. Theo đó, mình nghĩ, đấy là một phản ứng hợp lý, ví dụ như, ai đó đối xử không tốt với mình trong khi mình chân thành với họ, và mình đã buồn, đã ôm ấp…
Lý do ôm ấp nỗi buồn đó là bởi vì ai cũng phản ứng như thế, kể cả mình theo thói thường trước đây, nhiều đời nhiều kiếp trước. Mình quên mất rằng, việc người khác gây cho mình buồn, có thể mình sẽ buồn, nhưng việc mình ôm nó lại, giữ đó, chính là mình đã tiếp tay cho “người ngoài”, trở thành nội gián, khiến sự tổn thương trở nên lớn hơn.
Thay vì phản ứng cất giữ nỗi buồn, duy trì phản ứng bực bội thêm dài ngày, dài tháng… thì mình có thể ngồi xuống và ngắm nhìn nỗi buồn ấy, sự việc (nguyên nhân) đưa tới tâm hành bực bội, buồn chán, thất vọng trong mình và quán niệm về con đường dẫn tới sự việc đó. Có thể, khi ấy ta sẽ phát hiện ra, lỗi không phải chỉ riêng đối tượng trực tiếp làm ta buồn, mà còn ở chỗ ta đã có sự đánh giá chưa đúng về một người nhưng đã vội trao gửi niềm tin, nên bây giờ phải bị thất vọng. Đó là sự biểu hiện đương nhiên phải thế, trong tư duy “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, đúng nhân-duyên-quả.
Cũng có thể, từ đó, ta tìm ra nguyên nhân (cũng từ mình), rằng trong ta chưa đủ bao dung, tâm mình còn dễ nổi nóng, dễ bực bội, khó chịu nên chuyện chẳng đáng là bao mà mình đã rần rần phản ứng, phản kháng, tạo ra xung đột, làm to chuyện. Tính khí này có khi là một thói quen (tập khí) khó bỏ mà ta đã huân tập dài ngày trong suốt quá trình sống ở đời này, nhưng lắm khi cũng là một sự biểu hiện được ta mang theo trong tàng thức – từ vô lượng kiếp trước đến giờ. Học Phật, khi phát hiện điều này, ta sẽ (và cần-phải-nên) nghĩ tới việc chuyển hóa tâm hành này, bằng cách phát nguyện chuyển hóa, lạy Phật để tăng thêm năng lượng từ bi mà chuyển hóa. Tất nhiên, cội rễ của nỗi buồn dễ đến và ở lại lâu này cần một lộ trình quán niệm và dũng mãnh, liên tục chuyển hóa (tinh tấn), từ bỏ – không dễ nhưng không phải là không thể.
Việc tu chính là việc mà mỗi hành giả khi gặp chuyện, tức nảy sinh vấn đề, buồn-vui chi đó đều dừng lại, bình tĩnh mà nhìn nhận sự việc cho hợp tình, hợp lý (lý ở đây có nghĩa là lý nhân-quả trong cả quá trình dài theo thời gian: quá khứ – hiện tại – tương lai chứ không phải chỉ là ngắn ngủi trong một vài ngày, đôi ba tháng hay thậm chí trong chỉ đời này thôi).
Thực tâm trầm tĩnh, suy nghiệm mọi việc, nhìn tới nhìn lui cho thấu đáo chính là ta không để cảm xúc đánh lừa tri giác khiến mình thấy không thật, không nhân văn trước mọi việc đang diễn ra. Từ đó, tránh nghĩ, nói và làm những điều gây tổn hại, sát thương cho người (đồng nghĩa với đau chính mình). Sự tương tức của việc làm tổn thương người là làm đau bản thân và ngược lại này chính là cái lý xuất phát từ định luật nhân quả, từ duyên sinh-diệt vô thủy vô chung nơi cõi Ta-bà này. Không có ai tồn tại độc lập mà tất cả đều có nhân-duyên biểu hiện cùng nhau, cái này có, cái kia có.
Thông thường, khi buồn ai đó, ta có xu hướng làm cho người ta đau (để thỏa nỗi buồn, để hả dạ). Với tính tương tức, nương nhau biểu hiện như đã nói thì ta cũng đang làm khổ mình. Khi đó, sự từ bi bay biến đâu mất, ta cũng không còn giữ được sự vững chãi, sáng suốt, có nghĩa trí và bi đã bị che mờ. Nhận diện chỗ này thì ta sẽ ghi lại, như một lưu ý nhỏ cho sự thực tập của mình, để rủi có gặp chuyện, ai đó sinh sự với mình hay do nhân duyên chi đó mà những điều bất như ý cứ tới liên tục, mình sẽ có thể điềm tĩnh để nhìn nhận và chuyển hóa một cách nhẹ nhàng, tràn ngập tình thương.
Thực ra, giả sử như có ai đó sống dở với mình thì có nghĩa là họ đang gieo một hạt giống không lành (nếu ta không có nợ nần chi với họ). Khi đó, ta thực tập nhìn sâu vào cái nhân họ đang gây ra đó để thấy cái quả chắc chắn sẽ tới với người đó là không hay ho gì – để thấy họ đáng thương hơn là đáng trách, tự nhiên khi ấy mình hỷ và xả liền, không còn chấp, không còn thấy đau nữa. Còn giả sử, họ có ân oán với mình đời nào kiếp trước, giờ mình may mắn biết Phật pháp, họ chưa, nên họ còn tìm mình trong nỗi hận thù, chống phá… thì mình càng thương họ hơn, càng phải thực tập sự hoan hỷ với họ, đem Phật pháp đến trao cho họ, đem tình thương và trí tuệ đối xử với họ thì nghiệp đó, nghịch duyên đó mới sớm hóa giải, người ta mới chuyển hóa được.
Tất nhiên, có những việc để thấy được cần thời gian lâu dài, để làm được vậy càng cần dài lâu hơn, có khi phải nhiều kiếp, nhưng mình là con Phật thì mình có thể thì thầm nguyện đi trên con đường đó trước Tam bảo để dù gặp chuyện chi, để dẫu có lúc quên thì vẫn còn cơ hội được nhớ mà quay trở lại và tiếp tục con đường.
Nghĩ thế, khi gặp điều bất hảo, không như ý thì trước tiên chúng ta cần dừng lại (chỉ) và nhìn cho sâu sắc bằng mắt thương và bằng trí sáng (quán) trên lý nhân-duyên-quả, để thông suốt, từ đó có phương pháp ứng xử phù hợp. Phải xác định được như thế và kiên trì, từng bước như thế chứ không vội vàng phản ứng, vội vàng xô đẩy xúc cảm theo lối thường tình, theo cách số đông ngoài kia. Đó chính là cách bảo hộ thân-tâm để mình trở nên điềm tĩnh hơn trước mọi được/mất ở đời, trước những vô thường, biến đổi khôn lường của thế cuộc và lòng người đảo điên. Để, dẫu có buồn thì cũng biết là buồn, nhưng không còn là ba bốn bữa, khiến tâm tư héo hon, sầu rũ. Để, mình dù không làm thay đổi được thế cuộc hay những nỗi khổ niềm đau nơi cuộc sống thì cũng là đang đóng góp cho cuộc sống một hạt giống bình an bé nhỏ như câu thơ ai đó: “Hãy thắp lên một ngọn nến nhỏ/ Còn hơn ngồi nguyền rủa bóng đêm”…
Lưu Đình Long