Lần đầu tiên trả lời chất vấn trước UBTVQH, Bộ trưởng Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã giải trình về chuyện xâm phạm di tích và tình trạng hòm công đức tràn lan.
Hà Nội, nơi có 2/3 di tích cả nước, đã đầu tư nhiều kinh phí và quỹ đất để giải toả xâm phạm di tích nhưng cũng đang là địa phương có nhiều di tích bị xâm hại nhất.
Theo thống kê, có 1.200 hộ dân và 11 cơ quan đang xâm phạm đất của 104 di tích.
Mỗi chùa chỉ được có 1 hòm công đức
Liên quan đến đền chùa, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào đề nghị Bộ trưởng cho ý kiến về việc sử dụng tiền công đức hàng năm.
Ông Đào băn khoăn: “Bộ trưởng nghĩ gì trước hiện tượng vào đền chùa hiện nay, cứ mỗi bức tượng lại có 4, 5 hòm công đức? Nhiều nơi, nhà chùa phải chia tiền công đức với chính quyền và chính quyền sống bằng tiền công đức, Bộ trưởng có biết không?”.
Ông Hoàng Tuấn Anh giải thích: “Theo quy định, mỗi đền chùa chỉ được phép để một hòm công đức. Bộ sẽ yêu cầu các tỉnh làm việc với nhà chùa để thực hiện đúng quy định. Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ phải ra thông tư hướng dẫn sử dụng tiền công đức sao cho hợp lý”.
Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Phúc cho hay, An Giang có kinh nghiệm hay về sử dụng tiền công đức. Đó là, năm 2007, ban quản lý chùa bà Chúa Sứ đã sử dụng 30 tỷ đồng tiền công đức trong năm để xây trường học và hỗ trợ hộ nghèo.
Lần đầu tiên trả lời chất vấn của đại biểu QH, dù chỉ trong quy mô một phiên họp Ủy ban Thường vụ và thời lượng hơn một giờ đồng hồ, nên Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã nhiều lần được Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở, điều phối thời gian.
Kết thúc phần chất vấn, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng đành thừa nhận: “Chuyện phục dựng di tích, giải quyết bài toán di tích bị xâm phạm ra sao, Bộ trưởng đã nói rồi mà tôi không thấy rõ lắm việc nào làm trước, việc nào sau”.
Lê Nhung (theo VNN)