GNO – Ở Hà Nội, sau những ngày bụi mưa dầm dề với không khí ẩm ướt, trời dần ấm nắng lên, và một mùa hè chói chang bắt đầu tới. Lúc này, trên những hàng cây sấu già cổ thụ bên đường phố, những chùm hoa sấu ngào ngạt đầu xuân nay đã nhú quả xanh non mơn mởn.
Sấu bao tử xanh non
Quả sấu xanh lớn nhanh như thổi, khi chỉ dăm ngày không để ý là thấy chúng đã có thể, từ to bằng hạt đậu xanh lên đến lớn bằng đầu ngón tay trỏ. Bình thường thì những quả sấu xanh sẽ được khai thác vào dịp cuối mùa hè, khi quả đã già, hạt cứng, để chế biến làm nước giải khát, làm gia vị cho các món canh chua, hay làm món ô mai sấu trứ danh nổi tiếng của Hà Nội. Nhưng, những năm gần đây, nhiều người Hà Nội đã chế biến các quả sấu khi chúng còn non, còn bé để làm nên món nước giải khát tuyệt ngon, đó là món nước sấu bao tử!
Gọi là sấu bao tử, vì khi này những quả sấu còn rất non, cùi còn mỏng, độ chua chưa đủ nhiều, và chiếc hạt bé xíu phía bên trong cũng chỉ vừa mới hình thành nên còn mềm, mà khi ăn có thể ăn hết được cả hạt.
Chế biến món nước giải khát sấu bao tử đơn giản hơn sấu già, khi không phải gọt vỏ bên ngoài, mà chỉ cắt núm cuống, rồi rửa sạch sẽ, sau đó để thật ráo nước mới bắt đầu công đoạn chế biến chính. Cùng với quả sấu non ra, thì đường kính trắng cũng là một trong hai nguyên liệu chính làm nên món nước giải khát thơm ngon, ngọt ngào này. Ngoài ra, cần thêm một chút gừng để cho món đồ uống thêm phần hấp dẫn.
Để định lượng món nước sấu bao tử có độ đậm ngọt vừa phải, theo cách chế biến của một số quán hàng bán loại nước này tại khu vực quanh phố cổ cho biết, với sấu già, độ chua đậm thì 1 kg quả sấu luôn phải cần 2 kg đường mới đủ. Còn với sấu nhỏ hơn, độ chua chưa có nhiều, định lượng 1 kg sấu với 1 kg đường là vừa. Cũng theo những người bán hàng và có kinh nghiệm chế biến món này, dẫu làm món sấu này không khó, nhưng nếu không tuân thủ các nguyên tắc, quy trình chế biến, cũng như định lượng tỷ lệ hợp lý cũng có thể làm hỏng món nước giải khát, hoặc là không được ngon như ý muốn…
Đầu tiên, số đường được mang bỏ vào xoong để đun lên cho sôi, đến khi nào các hạt đường trong xoong tan chảy hết là được. Nước chế với đường chỉ là rất ít, độ 0.3- 0,5 lít cho 1 kg đường. Khi đun đường, lửa phải liu riu để đường không bị bén cháy ở đáy xoong. Nếu để nước đường cháy bén đáy xoong, đường sẽ có mùi khét, làm món nước sấu sẽ mất ngon. Chính vì vậy mà công đoạn đun nước đường phải hết sức thận trọng. Trước khi chuẩn bị tắt lửa, bắc xoong nước đường xuống, cho một chút gừng giã nhuyễn vào để tạo cho nước đường có mùi thơm hấp dẫn.
Bắt buộc phải cho gừng vào từ lúc còn đang đun đường, bởi nếu cho vào sau, khi nước đường đã nguội rồi, món nước rất có thể sẽ lên màng sau vài ngày. Khi nước đường đã nguội hẳn, các quả sấu được trút vào một chiếc lọ thủy tinh, hoặc lọ nhựa, sau đó đổ hết số nước đường nguội vào sao cho ngập các quả sấu rồi đậy nắp lại. Lọ sấu để qua độ từ 4-5 ngày, khi các quả sấu ngấm đường vào cùi là bắt đầu dùng được.
Ly nước sấu bao tử đá giải nhiệt ngày hè
Dưới thời tiết nắng nóng, mồ hôi nhễ nhại, sau khoảng thời gian đi ngoài đường về mà được thưởng thức ly nước sấu đá bao tử thì không gì thú vị bằng. Một ly nước sấu đá lạnh ngọt ngào, thơm phức vị gừng sẽ nhanh chóng xua tan đi cái nóng, cái oi nồng làm cho bạn nhanh chóng tìm thấy cảm giác thấy sảng khoái. Khi thưởng thức, ngoài vị chua thanh dịu nhẹ, bạn sẽ thích thú khi ăn những quả sấu bao tử giòn tan, nhai và cảm nhận thấy vị bùi bùi.
Đến thủ đô vào mùa hè, bạn đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức món sấu đá bao tử nói riêng, và các món giải khát chế biến từ quả sấu nói chung, bởi đây là một trong các thứ đồ uống ngon đến kho quên, nếu như đã một lần nếm thử…
Bài và ảnh: Nguyễn Long (Hà Nội)