GNO – Nhiều người sẽ đồng ý với câu nói rằng những thứ bạn ăn sẽ thể hiện con người của bạn. Nhưng bao nhiêu người trong số họ thực sự thay đổi thói quen ăn uống theo chiều hướng tốt đẹp hơn hoặc có tư tưởng nghiêm túc đối với nguồn gốc thực phẩm mà họ đang dùng.
Trong cuốn sách mới Bạn ăn gì để sống?, Ni sư Seonjae chia sẻ câu chuyện cá nhân của mình về thực hành Phật giáo để nuôi dưỡng thân tâm và khắc phục bệnh ung thư phổi qua thực phẩm đơn giản mà lành mạnh của nhà chùa.
Ni sư Seonjae
Trong một cuộc họp báo hôm thứ Tư (4-1) để ghi dấu việc công bố quyển sách, Ni sư Seonjae nói mọi người dường như tập trung vào hương vị quá nhiều, một hiện thực đã dẫn cô viết cuốn sách thứ hai của mình trong 5 năm.
“Kể từ khi cuốn sách đầu tiên của tôi được xuất bản vào năm 2000, rất nhiều người đã yêu cầu tôi viết một cuốn sách nấu ăn. Trọng tâm không phải là làm thế nào để nấu được những bữa ăn ngon”, cô nói. “Quyển sách này nhằm mục đích thay đổi suy nghĩ của mọi người về cách tiếp cận và thực phẩm nói chung”.
Ni sư Seonjae, 60 tuổi, là một trong những chuyên gia nổi tiếng nhất về thực phẩm nhà chùa Hàn Quốc. Cô đã dành gần 3 thập kỷ phát triển công thức nấu ăn, nâng cao nhận thức cộng đồng và tham gia vào một chiến dịch rộng rãi để cải thiện chế độ ăn uống của mọi người.
Thực phẩm nhà chùa tương tự như thực phẩm thuần chay, nhưng sự khác biệt nằm ở thực tế rằng “có một phương thuốc trí tuệ trong thực phẩm nhà chùa Hàn Quốc”, cô nói khi lập luận rằng ăn thức ăn đối với một người xuất gia không chỉ là để thỏa mãn cơn đói và sự khỏe mạnh mà còn nhằm đạt được sự tỉnh thức thông qua thực phẩm.
Năm 1994, cô cho ra mắt một luận văn về thực phẩm nhà chùa Hàn Quốc, quyển sách đầu tiên thuộc loại hình này, kích thích sự quan tâm của mọi người về cách ăn uống lành mạnh hơn. Cô đã tư vấn về thói quen ăn uống đặc biệt là cho phụ huynh có con kén chọn và tổ chức các lớp học nấu ăn thực phẩm nhà chùa.
Thậm chí cô đã trở nên tận tâm hơn cho sứ mệnh của mình sau khi vượt qua căn bệnh ung thư phổi thông qua liệu pháp ăn.
“Cha và 2 người anh của tôi đã qua đời vì bệnh ung thư phổi. Bác sĩ nói tôi chỉ có 1 năm để sống. Tại thời điểm đó tôi đã phải nghỉ mệt 3 lần khi đi bộ trong 10 phút”.
Ni sư Seonjae ngừng thăm hỏi bác sĩ, người bảo rằng ông không thể làm gì cho cô. Cô quay lại với thiên nhiên và chủ yếu dựa vào thực phẩm để tự chữa lành căn bệnh của mình. Cô trở nên thận trọng hơn với thực phẩm mà mình dùng; cô chỉ nấu với nguyên liệu sản xuất trong nước, ngừng ăn bên ngoài và làm theo quan niệm Phật giáo như “Tất cả thực phẩm là thuốc” và “Thay đổi những gì bạn ăn theo mùa”. Ăn, sau tất cả, là một phần rất quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất trong đời sống tu hành của cô.
Nỗ lực và nhiệt tâm của cô gần đây đã được công nhận bởi Tông Tào Khê của Phật giáo Hàn Quốc, chỉ định cô là “Bậc thầy của thực phẩm nhà chùa”. Ni sư trở thành người Phật tử đầu tiên có danh hiệu này.
“Các bậc thầy thực sự hiện đang ở trong những ngọn núi, những người nấu và ăn thức ăn nhà chùa như một cách để thực hành Phật giáo”, cô nói. “Tôi nghĩ họ đã ban cho tôi danh hiệu này vì vậy tôi cảm thấy có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này trong phần còn lại của cuộc đời mình”.
Văn Công Hưng
(theo Yonhap)