Về Chánh niệm

GN – LTS: Thiền sư Ajaan Fuang Jotiko, sinh năm 1915 tại tỉnh Chanthaburi, Đông nam Thái Lan (gần biên giới Campuchia).

Mồ côi năm 11 tuổi, ngài sống ở nhiều chùa, cho đến năm 20 tuổi được thọ giới xuất gia, về sau trở thành một Thiền sư lớn (theo truyền thống tu tập trong rừng) ở Thái Lan. Tỳ-kheo Thanissaro (Geoffrey DeGraff) người Hoa Kỳ, theo học thiền với Ajaan Fuang Jotiko và xuất gia năm 1976 tại Thái Lan.

Thiền sư Ajaan Fuang Jotiko
Hiện thầy cũng là thiền sư, chuyên trước tác và giảng dạy về thiền. Về Chánh niệm là một trong những giáo huấn vắn tắt, thiết thực của Thiền sư Ajaan Fuang Jotiko, được Tỳ-kheo Thanissaro soạn tập và dịch từ tiếng Thái sang tiếng Anh. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

I. Chánh niệm về những gì mình ăn

1. Là con người, chúng ta có cái lưỡi rất dài, bạn có biết điều đó không? Này nhé, đang ngồi đây, bỗng cái lưỡi của bạn thè ra đến tận biển cả: Bạn muốn ăn đồ biển. Rồi cái lưỡi đó lại đảo quanh thế giới: Bạn muốn thưởng thức món ăn quốc tế. Bạn phải huấn luyện cái lưỡi của mình, phải thu kích thước của nó lại.

Khi ăn, bạn hãy để tâm trụ vào hơi thở, và quán tưởng tại sao bạn ăn. Nếu bạn ăn chỉ vì hương vị của món ăn, thì những thứ bạn đang ăn chỉ có thể làm hại bạn.

2. Sau khi Ajaan Fuang từ Mỹ về, một đệ tử hỏi ngài đã có cơ hội nếm thử món pizza khi ở đó không. Ngài bảo rằng có, rằng món đó ngon lắm. Câu trả lời đó khiến một đệ tử đã đi theo ngài trong chuyến đi ngạc nhiên, anh ta nói: “Sư chỉ dùng có hai miếng nhỏ. Chúng con còn nghĩ là sư không thích chứ”.

“Hai miếng là đủ no rồi”, ngài trả lời. “Tại sao con muốn sư phải ăn nhiều hơn?”.

3. Có lần một tín nữ, đã có thời gian tu học với ngài, muốn nấu ít món ăn cúng dường. Để biết chắc ngài thích món gì, bà đã hỏi thẳng ngài: “Thưa, sư thích ăn món gì ạ?”.

Ngài trả lời: “Món ở trong tầm tay”.

4. Trong khóa an cư mùa mưa năm 1977, có đôi vợ chồng từ thị trấn Rayong đến chùa gần như mỗi chiều để hành thiền. Có chuyện lạ là trong lúc hành thiền, bất cứ chuyện gì xảy ra, đều xảy ra cho cả hai cùng một lúc.

Có lần cả hai đều cảm thấy không thể ăn uống gì, vì họ cảm thấy nhờm gớm thức ăn. Việc này kéo dài ba hay bốn ngày mà họ không thấy đói hay mệt, nên họ bắt đầu nghĩ không biết mình đã đạt đến mức độ nào trong thiền.

Khi họ đem chuyện này thưa hỏi với Ajaan Fuang, ngài bảo họ ngồi thiền, rồi nói: “Được rồi, quý vị hãy quán tưởng về thực phẩm, xem chúng cấu tạo như thế nào. Gồm các thành phần, đúng không? Vậy thân quý vị thì sao? Cũng từ các thành phần như thế. Các thành phần trong cơ thể quý vị cần các thành phần trong thực phẩm để duy trì sự sống. Vậy tại sao phải bận tâm với sự nhờm gớm thức ăn? Thân của ta còn đáng ghê tởm hơn. Đức Phật dạy ta quán tưởng về sự nhờm gớm của thức ăn là để chúng ta không ảo tưởng về chúng – không phải để ta không ăn”.

Và thế là họ chấm dứt việc không thể ăn uống gì.

II. Chánh niệm về lời nói

Ajaan Fuang là người ít nói. Ông thường chỉ nói khi cần thiết: Tùy duyên, khi cần ngài cũng có thể cho ta những lời dạy chi tiết, dông dài. Trái lại, ngài chỉ nói một, hai tiếng hay đôi khi chẳng nói lời nào. Ngài tuân theo tôn chỉ của Thiền sư Ajaan Lee rằng: “Nếu sư muốn giảng Pháp cho người, nhưng họ không muốn nghe, hay chưa sẵn sàng lãnh hội những điều sư dạy, thì dù bài Pháp định giảng có thâm thúy đến đâu, đó cũng bị coi là những lời phù phiếm, vì nó không ích lợi gì”.

1. Tôi (Tỳ-kheo Thanissaro) luôn ngưỡng mộ sự sẵn lòng dạy thiền của Ajaan Fuang – đôi khi quá sốt sắng – ngay cả khi ngài đang bệnh. Có lần ngài giải thích với tôi rằng: “Nếu có người thực sự sẵn lòng nghe, ta cũng thấy sẵn lòng để dạy, nên dù phải nói bao lâu, ta cũng không thấy mệt. Đúng ra, cuối cùng ta lại thấy có nhiều năng lực hơn lúc mới bắt đầu. Nhưng nếu họ không sẵn lòng nghe, ta lại thấy mệt sau chỉ một, hai lời nói”.

2. “Trước khi nói điều gì, hãy tự hỏi mình xem điều đó có cần thiết  không. Nếu không, thì đừng nói. Đó là bước đầu tiên trong việc luyện tâm – vì nếu sư không thể làm chủ cái miệng mình, thì làm sao sư có thể hy vọng làm chủ tâm mình?”.

3. Đôi khi Ajaan Fuang khiển trách – do lòng tử tế – tuy nhiên ngài có cách riêng để làm điều đó. Ngài không bao giờ lớn tiếng hay dùng lời thô tục, nhưng lời của ngài vẫn có thể làm cháy lòng bạn. Có lần tôi nói về điều này và hỏi ngài: “Tại sao khi sư khiển trách, lời của sư thấu tận tâm can con?”.

Ngài trả lời: “Vậy thì con mới nhớ. Nếu lời nói không vào tận tâm can của người lắng nghe, thì chúng cũng không thấu tâm can với người nói”.

4. Khi khiển trách đệ tử, ngài thường xét xem người đệ tử đó có tinh tấn tu tập. Người đệ tử càng tinh tấn, ngài càng khiển trách nhiều hơn, vì ngài nghĩ là người đệ tử đó sẽ tuân giữ lời ngài tốt nhất.

Có lần một cư sĩ đệ tử của ngài – không hiểu được điều này – đang lo chăm sóc lúc ngài bị bệnh ở Bangkok. Dầu cô đã cố gắng hết sức để chăm lo cho ngài, ngài vẫn luôn miệng khiển trách cô, đến độ cô đã nghĩ đến chuyện rời xa ngài. Tuy nhiên, cũng may là có một cư sĩ khác đến thăm, và ngài Ajaan Fuang tình cờ nói với người đó: “Khi một vị thầy khiển trách đệ tử của mình, đó là vì hai lý do: một là để giữ người đó lại, hai là để họ ra đi”.

Người đệ tử đầu tiên nghe thế, bỗng hiểu ra lý lẽ, nên cô quyết định ở lại với thầy.

5. Có một câu chuyện mà Ajaan Fuang thích kể – theo cách riêng của ngài – là câu chuyện tiền thân của con rùa và các con thiên nga.

Ngày xưa có đôi thiên nga thường thích dừng chân uống nước bên hồ. Qua thời gian, chúng kết bạn với một chú rùa sống trong hồ nước đó. Rồi chúng kể cho chú rùa nhiều thứ mà chúng thấy được khi bay bổng trên không trung. Chú rùa bị những câu chuyện của chúng cuốn hút, nhưng rồi chú cảm thấy buồn nản vì biết rằng mình sẽ không bao giờ có cơ hội được nhìn thấy thế giới bao la như thiên nga. Khi chú tâm sự với thiên nga về điều này, chúng nói: “Không vấn đề. Chúng tôi sẽ tìm cách mang bạn theo”. Nói rồi con thiên nga đực ngậm một đầu khúc cây, con thiên nga cái ngậm đầu còn lại, còn chú rùa ngậm giữa khúc cây. Khi mọi thứ đã sẵn sàng, đôi thiên nga bay lên, mang theo chú rùa.

Khi chúng bay trên không trung, chú rùa được thấy thật nhiều thứ, nhiều thứ chú chưa mơ thấy bao giờ khi ở trên mặt đất. Chú thật vui và hạnh phúc vô cùng. Tuy nhiên, khi ba con vật bay qua một ngôi làng, một đám trẻ đang chơi bên dưới nhìn thấy chúng bèn la to: “Nhìn kìa! Thiên nga kéo rùa!  Thiên nga kéo rùa!”.  Điều đó làm chú rùa mất vui, chú chợt nghĩ ra một câu để vặn vẹo lại: “Không. Chính rùa kéo thiên nga!”. Nhưng ngay khi chú vừa mở miệng nói, thì đã rơi xuống đất chết tươi.

Bài học của câu chuyện là: “Hãy giữ miệng ở những chốn cao sang”.

6. “Rác (litter)” là tiếng lóng của người Thái, ám chỉ những chuyện phiếm, và có lần ngài Ajaan Fuang đã sử dụng để gây hiệu ứng.

Một buổi tối kia khi ngài đang giảng thuyết tại Bangkok. Có ba phụ nữ trẻ là những người bạn thân của nhau. Họ vô tình gặp nhau ở nơi ngài đang giảng pháp, nhưng thay vì ngồi xuống hòa nhập cùng những người đang hành thiền lúc đó, họ lại túm tụ vào một góc chuyện trò riêng tư. Mãi lo chuyện vãn, họ không để ý là Ajaan Fuang đã đứng dậy, đi qua chỗ họ ngồi với tay cầm hộp diêm. Ngài khẽ dừng lại, quẹt diêm, rồi  quăng nó vào khoảng trống giữa ba người phụ nữ. Họ lập tức nhảy lên, một người nói: “Sư! Sao sư làm vậy? Xém nữa là đã trúng tụi con!”.

Ajaan Fuang trả lời: “Sư thấy một đống rác ở đó, nên định đốt nó đi”.

7. Có lần Ajaan Fuang nghe được hai người đệ tử đang nói chuyện. Một người hỏi điều gì đó, và người kia bắt đầu câu trả lời: “À, theo tôi hình như là…”.  Ajaan Fuang lập tức cắt ngang: “Nếu con không biết, thì nói không biết, chỉ vậy thôi. Tại sao lại đem rải cái ngu dốt của mình cùng khắp?”.

8. “Mỗi người chúng ta có hai lỗ tai và một cái miệng – có nghĩa là ta cần phải lắng nghe nhiều hơn, và nói ít lại”.

“Bất cứ điều gì xảy ra trong lúc hành thiền, không nên chia sẻ với ai, trừ vị thầy của bạn. Nếu bạn nói với người này, người kia, đó là khoe khoang. Đó chẳng phải là một uế nhiễm sao?”.

“Khi người ta khoe giỏi, khoe hay, thực ra là họ đang khoe cái ngu dốt của mình”.

“Nếu điều gì thực sự tốt, bạn không cần phải quảng cáo về nó”.

Ajaan  Fuang  Jotiko
Diệu Liên Lý Thu Linh
(chuyển ngữ)

Về Chánh niệm
ZALO - THIẾT KẾ WEBSITE NINH BÌNH
ZALO - THIẾT KẾ WEB NINH BÌNH