Đến thành phố Ninh Bình, ai cũng muốn thăm núi Dục Thúy (núi Non Nước), sẽ ngẩn ngơ trước vẻ đẹp kỳ thú của nó đứng lặng lẽ soi mình bên bờ ngã ba sông Đáy và sông Vân, làm nên một trong những biểu tượng của Ninh Bình: “Núi Thúy – sông Vân”.
Từ thời Lý, đã xuất hiện tháp là nơi thờ Phật. Trong tháp đặt một tượng Phật chính và một số tượng phụ. Tháp chính là chùa. Tháp cổ nhất là tháp Long Đọi, 13 tầng, xây dựng ở thế kỷ XII, đời vua Lý Nhân Tông (1). Cho nên, đời vua Lý Nhân Tông, niên hiệu Quảng Hựu thứ 7, năm Tân Mùi, 1091, trên đỉnh núi Dục Thúy được xây một cái tháp gọi là Linh Tế để thờ Phật. Sang thế kỷ XIII, tháp được tách ra, thành hai kiến trúc riêng: chùa và tháp. Tháp không còn là chùa mà trở thành mộ sư, như tháp Phổ Minh (Nam Định).
Chính vì vậy, đến đời Trần, sau một thời gian, thiên nhiên biến động, tháp Linh Tế đổ vỡ chỉ còn những tảng đá ngổn ngang trên ngọn núi. Đến năm Đinh Sửu, niên hiệu Khai Hựu thứ 9, thời vua Trần Hiến Tông, tức là năm 1337, tháp Linh Tế được khởi công xây dựng lại, kéo dài trong 6 năm, mãi đến năm 1342 mới hoàn thành. Người đứng lên chủ trì việc xây dựng tháp là nhà sư Trí Nhu (người phủ Tràng An, châu Đại Hoàng – tức là người Ninh Bình), học trò Pháp Loa (Đệ nhị tổ dòng phái Trúc Lâm), tháp Linh Tế được xây dựng do yêu cầu chôn cất xá lợi (tro xác) của Pháp Loa (người Chí Linh, Hải Dương).
Niên hiệu Thiệu Phong thứ 3 (1343), triều vua Trần Dụ Tông(1341-1369), do yêu cầu của nhà chùa và nhà sư Trí Nhu, khi đang giữ chức Tả ty Lang trung, Tả giám Nghị đại phu, Trương Hán Siêu đã viết bài “Dục Thúy sơn Linh Tế tháp ký” (Bài ký tháp Linh Tế ở núi Dục Thúy), nhân việc tháp Linh Tế xây dựng lại xong.
Trong bài ký đó, Trương Hán Siêu đã cho biết tháp Linh Tế xây dựng lại cao 4 tầng: “Tháp xây 4 tầng, đêm tỏa hào quang, kẻ xa người gần đều trông thấy rõ”.
Từ khi xây dựng lại tháp Linh Tế trên núi Dục Thúy, nhiều tao nhân mặc khách đã làm thơ vịnh núi đều nói đến tháp Linh Tế:
“Lòng sông in bóng tháp
Tầng thẳm cửa thôi che”.
(TRƯƠNG HÁN SIÊU)
“Nơi Bồng Đảo, tháp chùa liên tiếp nhau,
Chốn Doanh Châu buồm khách kéo thẳng”.
(Tiến sĩ PHẠM SƯ MẠNH)
“Muôn đời sông núi hai tháp (2) vẫn còn y nguyên,
Ví như một bức tranh vẽ có thuyền ngang qua”.
(Tiến sĩ NGÔ PHÚC LÂM)
“Bóng tháp hình trâm ngọc
Gương soi ánh tóc huyền”.
(Tiến sĩ NGUYễN TRÃI)
Trong bài thơ “Núi Dục Thúy” của Nguyễn Trãi nhìn bóng tháp Linh Tế cao 4 tầng trên núi Dục Thúy dập dờn hòa quyện, in hình trên mặt nước lung linh bên bờ sông Đáy thành hình cái trâm ngọc cài vào mái tóc đen, “Tóc huyền” của phụ nữ. Tháp Linh Tế đã như một công trình độc đáo tôn nghiêm, trầm mặc, kiêu hãnh mang dấu ấn các thời đại phong kiến, đi vào sự ngưỡng mộ của lòng người, đồng thời còn là nguồn cảm hứng nghệ thuật cho các nhà thơ nổi tiếng để viết ra những bài thơ bất hủ.
Nhưng thiên nhiên luôn luôn vận động, thời gian luôn luôn chảy trôi, không có cái gì bền vững được lâu. Điều này cũng đã được Trương Hán Siêu dự cảm trong bài “Dục Thúy sơn Linh Tế tháp ký”: “Rồi mai (tháp Linh Tế) sẽ mai một cả ư? Hay lại có người xây lại”. “Than ôi, mai sau mấy trăm năm nữa, chốc lát cảnh tượng biến đổi, nếu lại có kẻ buông lời than thở như ta, lẽ nào không có vài người như sư Trí Nhu xây dựng lại? Việc ấy không đoán trước được!”.
Quả đúng như vậy, cuối thời Hậu Lê (1533-1778) tháp Linh Tế bị đổ vỡ. Điều này đã được Phạm Đình Hồ viết trong sách “Tam thương ngẫu lục”: “Sau khi vạc đổi, Cung (Ly cung) bỏ làm trường lương Tràng An, tháp (Linh Tế) cũng đổ nát”.
Hiện nay, đã đến lúc chúng ta nên xây dựng lại tháp Linh Tế ở trên đỉnh núi Dục Thúy để mang lại vẻ đẹp cổ xưa, thể hiện chúng ta biết giữ gìn những giá trị văn hóa của dân tộc, cũng là thực hiện những lời vàng ngọc của Trương Hán Siêu: “Hay lại có người xây dựng lại?”. Núi Dục Thúy sau này có tháp Linh Tế xây dựng lại, nhất định sẽ đẹp thêm, lung linh, hư ảo, huyền diệu, du khách đến thưởng ngoạn nhiều, lòng không muốn rời, chân không muốn xa, để chìm say trong cảnh núi sông tuyệt mỹ ở Ninh Bình.
Thành phố Ninh Bình nên có dự án, kêu gọi các nhà hảo tâm, chủ trì đứng lên xây dựng lại tháp Linh Tế lần thứ hai.
(1) Tháp xây dựng trên núi Long Đọi thuộc xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
(2) Có lẽ là tháp Linh Tế và ngôi chùa Sơn Thủy ở trên đỉnh núi Dục Thúy.
LÃ ĐĂNG BẬT