Chất thơ dân gian trong đời sống hiện đại Nhật

Kiến trúc Nhật cũng như nhiều bộ môn khác đã chịu ảnh hưởng Thiền. Quan sát sân vườn, cảnh quan, trang trí nội thất ở Nhật người ta dễ thấy các vật liệu thiên nhiên như đá, sỏi, tre, trúc, nước… rất được yêu chuộng. Ngang qua lăng kính của Thiền, chúng ta thử lướt xem phần nghệ thuật Nhật này đã được thể hiện như thế nào.

Chất Thiền trong đền thờ, lâu đài, Thiền viện
Triết lý Thiền đến Nhật Bản vào thế kỷ 12, từ Trung Hoa, ảnh hưởng mạnh đến văn hóa, nghệ thuật và cuộc sống người Nhật. Tinh thần “vĩnh tịch” của Thiền qua tên gọi “Sabi” (Tịch) được biểu hiện trong hầu hết các bộ môn nghệ thuật Nhật: hội họa, trong cách viết chữ, cách làm vườn, trà đạo, kiếm đạo, thi ca…

Cổ kính và hiện đại cùng soi bóng

Trong xây dựng, nhiều người nghĩ rằng công trình kiến trúc là chính; sân vườn, cảnh quan là để tô điểm thêm cho công trình. Ngược lại, người Nhật quan niệm công trình kiến trúc là một thành phần của cảnh quan, cần phải hài hòa với cảnh quan. Theo cách nghĩ đó, kiến trúc đền thờ, lâu đài, Thiền viện thường được đặt trong những khung cảnh rộng rãi, rất đẹp và nên thơ làm cho giữa khung cảnh đó, con người cảm thấy cả vũ trụ là khu vườn riêng của mình.

Người Nhật quan niệm công trình kiến trúc là một phần của cảnh quan

Ở Osaka, lâu đài Osaka 8 tầng, được xây dựng vào thế kỷ 18, hiện nay bên trong được sửa chữa làm nhà bảo tàng, vẫn giữ nguyên bên ngoài, chung quanh là các khu vườn hoa anh đào Nishinomaru và vườn mận tuyệt đẹp, được bao bọc bởi hai lớp hào nước.

Hàng rào tre trong khu đền thờ Kiyomizu

Tương tự, ở Kyoto, khu Kinkakuji – Kim Các Tự (Rokuonji temple), di sản văn hóa thế giới, là một khuôn viên rất rộng. Kim Các Tự được xây dựng từ thế kỷ 12. Ba tầng nhà theo ba kiểu: tầng một kiểu cung điện (palace), tầng hai kiểu hiệp sĩ (samurai) và tầng ba kiểu Thiền (zen). Tầng hai và tầng ba được dát vàng nên tòa nhà có tên Kim Các Tự. Cùng với Kim Các Tự nằm giữa một hồ nước, có đảo Ashihara với những ngọn tùng thấp và cổ kính. Trong khu này còn có Trà thất Sekkatei (Tea House) và Đền Fudo – do tưởng niệm Thần lửa là những kiến trúc cổ.
Một di sản văn hóa thế giới khác, cũng ở Kyoto, là Đền thờ Kiyomizu với ba dòng suối trong nổi tiếng lâu đời.

Lối đi lát đá trong khu Kim Giác Tự

Cho tới bây giờ, các Thiền viện vẫn là biểu trưng cho tinh hoa của văn hóa Nhật. Triết lý Thiền đã được Giáo sư Daisetz Teitaro Suzuki diễn giải một cách độc đáo cho phương Tây và trong chừng mực nào đó đã thành công trong việc làm cho phương Tây hiểu được phương Đông. Tinh thần Thiền vẫn còn âm vang qua các Thiền đường, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Các Thiền viện được xây dựng tinh xảo và được giữ gìn cẩn thận cho tới ngày nay. Hình ảnh các Thiền viện ẩn hiện sau các rặng hoa anh đào luôn đem lại cảm giác thư thái, an lành.

Ngôn ngữ của thiên nhiên
Ở Kim Các Tự, hầu hết hàng rào được thực hiện bằng tre. Có khi tay vịn là ống tre lớn màu xanh biếc. Có khi không có tay vịn, chỉ là những ống tre hoặc trúc chẻ đôi buộc bằng dây lạt. Hàng rào bên trong tre xếp thưa thoáng, chỉ nhằm ngăn chia không gian lối đi dạo và khu vực cây cỏ. Hàng rào bên ngoài tre xếp sát nhau, kín đáo, riêng tư. Khi có tính cách bảo vệ thì đầu ống tre được cắt nghiêng 45 độ, vẫn thẩm mỹ.
Ở nơi đất dốc, hàng rào vẫn uốn lượn dịu dàng theo địa thế, tự nhiên và nhẹ nhàng. Rêu trên nền đất luôn gây ấn tượng cổ kính, dường như nơi này đã có từ lâu lắm

Lối vào một ngôi nhà

Tính cách ước lệ được nhìn thấy rất nhiều. Ở một cổng nhỏ, hai thân cây cắm xuống đất, ước lệ đó là trụ cổng.
Sang hồ Ashinoko, hồ lớn nhất trong năm hồ nằm chung quanh núi Phú Sĩ, một cổng khác lại mọc lên từ nước ven hồ, trông rất hoành tráng nhưng chỉ có cổng mà không có hàng rào, lại là một ước lệ khác.
Trong Tokyo Disneyland, một hàng rào chận đất xếp đá cách ngẫu hứng gây cảm giác tự nhiên dễ dàng như vừa làm vừa chơi.
Lướt nhìn tình cờ vào bên trong một cổng nhà: một lối đi thẳng nhưng đá lát được sắp xếp duyên dáng với những mảng đá, thanh đá, viên đá. Hai bên lối đi là hàng trúc xanh. Cuối lối đi là chiếc xe hai bánh hiện đại như một bất ngờ cho tầm nhìn du khách. Đá, sỏi, nước, cây, cỏ được phối hợp một cách thú vị gây cảm giác thư giãn. Tiểu cảnh Nhật làm con người cảm thấy mình hòa làm một với thiên nhiên.

Triết lý “vừa đủ”
Người Nhật sử dụng rất nhiều các vật liệu tự nhiên quen thuộc: giấy, tre, trúc – nhưng lúc nào đơn giản nhẹ nhàng.
Trong một cửa hàng tại phố đi bộ Shinsaibashi, người ta cũng chỉ phô bày vừa đủ, không cần thiết phải gây choáng ngợp, mặc dù cửa hàng là nơi cần phô bày nhiều nhất.

Bặc cấp gỗ trong khu Universal Studio

Cách trưng bày ở cửa hàng này làm cho chúng ta có cảm tưởng người Nhật đã trang trí bằng chữ viết, xem chữ viết của Nhật là một thành phần đẹp.
Điểm xuyết trang trí nội thất này là một bình gốm cắm hoa, mà hình khối tròn của bình gốm phối hợp với hình dáng vài cành hoa theo môn phái Ikebana (sắp hoa), kiểu “thực” (vrai). Đây là một kiểu căn bản, tôn trọng tính tự nhiên của cành hoặc cây hoa, không uốn nắn thành những đường cong gượng ép. Kiểu này gồm ba cành hay ba thân cây, “ba” là số tượng trưng: Trời, Đất, Người. Vì ba sức mạnh thiên nhiên này phải cùng hòa hợp để tạo thành vũ trụ hữu tình, nên phải để các cành hoa tự giữ thế quân bình với nhau mà không gò bó. Chúng ta có thể thấy trong hình, các cành này tuy khẳng khiu nhưng lại gây ấn tượng rất quả quyết, dứt khoát, mạnh mẽ, tương tự nghệ thuật tranh thủy mặc, thư pháp.

Mặt đứng cửa hàng ở phố Shinsaibashi

Cách vẽ tranh mực mặc hội (sumiye), cũng như cách viết chữ (thư pháp), thường hiện diện trong nội thất, với một phong cách đặc biệt trên giấy. Đó là cách vẽ phác bằng mực đen làm bằng bồ hóng, với cọ lông làm bằng lông thỏ hoặc lông dê. Người vẽ tranh mực, viết thư pháp đã hòa nhập làm một với cảm hứng và chuyển tải cảm hứng trong khoảnh khắc lên một chất liệu mong manh là giấy một cách rất nhanh, rất chính xác, quả quyết. Sẽ không có khoảnh khắc cảm hứng nào giống như vậy lần thứ hai, nên sẽ không có sửa lại, và giấy đã được chọn để không có sửa lại. Cảm hứng trong nghệ thuật dùng mực của Nhật rất tự do, rất gần gũi nhưng lại cũng rất hững hờ. Người nghệ sĩ chịu ảnh hưởng của Thiền sẽ dùng rất ít chữ, rất ít nét vẽ, ít đến nỗi không thể bỏ đi chữ nào, nét nào nữa. Tuy rất ít nhưng lại ở rất cao trong rung cảm và luôn dành cho người thưởng ngoạn những ấn tượng thú vị.

Một cách trưng bày hàng Nhật

Gỗ trên mặt đứng cửa hàng ở phố Shinsaibashi

Có thể thấy tinh thần “vĩnh tịch” của triết lý Thiền đã trở thành chất thơ dân gian bàng bạc trong cuộc sống hiện đại Nhật. Dù là trong nhà, ngoài nhà, mọi nơi chốn, mọi thứ đều giản dị, thuần khiết, khiêm nhường. Tất cả hình như đều có tính chất “chừng đó đã đủ”, đưa con người nhìn lại mình, nhận ra cái vốn có trong sáng và đơn giản nhất của mình, cảm thấy sự nhỏ bé và hạn hẹp của cuộc nhân sinh để buông bỏ bớt những bon chen, phiền toái của đời thường

Tạp chí Nhà đẹp

Chất thơ dân gian trong đời sống hiện đại Nhật
ZALO - THIẾT KẾ WEBSITE NINH BÌNH
ZALO - THIẾT KẾ WEB NINH BÌNH