Những dấu hỏi quanh tháp Bình Sơn

Được sự quan tâm của Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch cùng UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 11-8-2008, Ban quản lý chùa Vĩnh Khánh thuộc thôn Bình Sơn, xã Tam Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc đã khởi công xây dựng chánh điện. Được biết, công trình trùng tu chánh điện chùa Vĩnh Khánh nằm trong Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích Bình Sơn. Qua đây, chúng tôi thấy một vài vấn đề cần đặt ra trong đợt tu bổ, tôn tạo này…

 

Tháp Bình Sơn, còn gọi là   tháp chùa Vĩnh Khánh hay tháp Then là một di  sản kiến trúc độc đáo đời Trần còn được bảo tồn cho đến ngày nay. Tháp Bình Sơn cách Hà Nội khoảng 90 cây số. Đặc điểm của ngôi tháp này là màu gạch luôn tươi mới, gần như không hề đóng rêu (hình 1).

Hình 1

   Tương truyền ngôi tháp có 15 tầng nhưng nay chỉ còn 11 tầng. Tháp cao 16 mét, lòng tháp rỗng. Bệ tháp hình vuông, mỗi cạnh dài 4,45 mét thu nhỏ dần lên đỉnh, tầng trên cùng mỗi cạnh dài 1,55 mét. Tháp Bình Sơn được xây bằng gạch nung già, màu đỏ sậm. Dấu vết hoa văn trang trí trên thân tháp hiện còn là những họa tiết hoa cúc, cánh sen, cánh đề, sư tử hí cầu, rồng chạm nổi… Trải qua nhiều thế kỷ mưa nắng dãi dầu, lại thường bị lũ lụt tràn về tàn phá, đã có lúc tháp bị nghiêng lệch và sụt lở.

Điều đáng ghi nhận là vào đầu thập niên 1970, mặc dầu trong hoàn cảnh chiến tranh, Bộ Văn hóa Thông tin kết hợp cùng Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Vĩnh Phú đã chỉ đạo và phối hợp với nhiều ban ngành như: Xưởng phục chế di tích của Bộ Văn hóa, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trung ương, Hợp tác xã cao cấp gốm sành Hương Canh cùng các nghệ nhân bỏ nhiều công sức để phục dựng, cứu vãn ngôi tháp tồn tại đến ngày nay. Trong các lần trùng tu, mặc dầu đã chọn đất rất kỹ, chọn phương pháp nung tối ưu nhưng chất lượng gạch mới vẫn không thể sánh với gạch nung nguyên thủy của tháp nên đã bị rêu đóng.

Vì sao tháp Bình Sơn mất đi mấy tầng?

Hình 2

Ngoài ý kiến cho rằng những tầng chóp ở trên cùng bị hư hại do thời gian và thiên nhiên tàn phá, quan sát phía trong ruột tháp, chúng tôi thấy từ “ô cửa” thứ nhất (hình 2) trở xuống là nền, còn từ đó trở lên đỉnh tháp vẫn trống rỗng. Phải chăng ban đầu, phía dưới tháp vẫn rỗng bên trong, nhưng sau nhiều cơn sụt lở, tháp đã bị bào mòn phía chân, có lúc đã bị nghiêng. Để giữ cho tháp đứng vững, người ta đã đắp bồi cả trong lẫn ngoài phần gốc của thân tháp (dáng dấp bệ tháp cũng khác nhiều với phần trên). Điều đó đã góp phần khiến cho tháp hiện nay mất đi mấy tầng?

Có người đã “sáng kiến” làm thang bằng 4 cọng thép bên trong lòng tháp cho du khách muốn chinh phục ngọn tháp leo lên. Muốn “chinh phục” ngôi tháp phải leo lên “ô cửa” rồi chui vào lòng tháp, dùng tay níu cọng thép, chân đạp vào tường tháp như vận động viên leo núi! Đây quả là một “sáng kiến” nguy hại đến tính mạng và góp phần làm hư hoại ngôi bảo tháp. Hiện ban quản lý di tích và các cơ quan chức năng vẫn chưa có quy định rõ ràng nào để ngăn chặn việc “chinh phục” tháp nhằm bảo tồn ngôi tháp quý giá này?

Giếng nước hay ngôi mộ?

Hình 3

Gần tháp có một vũng nước được bao bọc bằng bờ gạch, mà người ta thường gọi là giếng (hình 3). Tương truyền đất của giếng là một ngôi tháp, được gọi là tháp Xanh. Một hôm, ngôi tháp biến mất, còn lại miệng giếng như hiện nay?

Thông thường nếu là giếng thì miệng giếng phải tròn đều, đằng này miệng giếng hình hơi thuẫn (đường kính dài khoảng 4 mét và đường kính ngắn khoảng 3 mét). Còn nếu là tháp thì chân tháp cũng phải hình vuông hay hình chữ nhật, nền móng phải có độ dày. Phải chăng cái giếng là một ngôi mộ cổ đã được bốc dỡ?

Ngoài ra, trước chánh điện chùa Vĩnh Khánh (giữa ngôi tháp và giếng) có một cây sứ khá đẹp, tương truyền cây sứ đó đã trên 500 năm tuổi. Cần xác định niên đại, nếu quả thật cây sứ ấy trên 500 năm thì thật quý giá, cần phải bảo tồn.

Đại đức Thích Kiến Nguyệt, Trưởng ban Văn hóa Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc, Trưởng ban Hưng công Thiền phái Trúc Lâm được Sở Văn hóa-Thể thao & Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc (chủ đầu tư) đề cử thi công Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Bình Sơn cho biết: “Tôi được biết tháp Bình Sơn là một trong 5 tháp quý có ảnh hưởng lớn đến Phật giáo, đó là tháp Báo Thiên (Hà Nội), tháp Tường Long (Hải Phòng), tháp Phổ Minh (Nam Định), tháp Báo Ân và tháp Bình Sơn. Trong đó, tháp Bình Sơn có hoa văn khác hẳn, kiến trúc không hẳn của Chàm, có pha lẫn nét Ấn Độ. Đây là vấn đề cần nghiên cứu kỹ để Phật tử hiểu biết thêm về nét văn hóa đời Trần”.

Được biết, tháp Bình Sơn nằm trong tuyến du lịch tâm linh tham quan thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (chỉ cách thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên khoảng 20 cây số). Vì thế, ngôi tháp cổ Bình Sơn cần được bảo tồn, nghiên cứu bài bản để giới thiệu cho du khách, nhất là du khách Phật giáo.

Bài, ảnh Tâm Vương

Những dấu hỏi quanh tháp Bình Sơn
ZALO - THIẾT KẾ WEBSITE NINH BÌNH
ZALO - THIẾT KẾ WEB NINH BÌNH