Chuyến qua phà giữa lòng hồ Truồi mênh mang sóng nước sẽ làm khách hành hương thích thú khi đến Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã. Bên kia bờ nước, dưới chân ngọn linh sơn, những tổ đường, chính điện, tăng đường, trai đường, phương trượng, lầu chuông, tháp xá lợi… quần tụ trên khu đồi nguyên sinh bên kia bờ hồ Truồi dưới chân đỉnh Bạch Mã quanh năm chìm trong mây trắng.
Toàn cảnh Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã
Đại đức Thích Tâm Hạnh, trụ trì Thiền viện, cho biết trong một lần đi tìm cuộc đất xây thiền viện, từ đỉnh Bạch Mã nhìn xuống chợt gặp một vùng non nước xứ Truồi in bóng trời mây. Thiền viện được khởi công từ tháng 3/2006, sau hai năm thi công trong điều kiện khá khó khăn vì cách trở đường vận chuyển. Với tổng kinh phí gần 15 tỉ đồng từ nguồn đóng góp của giáo hội và phật tử, nay đã nên hình hài một quần thể danh lam giữa vùng sơn thủy hữu tình.
Với khoảng cách chưa đầy 30km từ trung tâm thành phố Huế, xuôi quốc lộ 1A về phía nam đến địa phận xứ Truồi (huyện Phú Lộc) rẽ phải thêm 10km, qua chuyến phà hồ Truồi, bỏ lại sau lưng những bụi bặm trần thế trước khi bước chân lên 172 bậc tam cấp để đứng trước tam quan thiền viện.
Nối dòng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử với các thiền viện Yên Tử (Quảng Ninh), Đà Lạt, Tây Thiên (Vĩnh Phúc) và nay thêm thiền viện Bạch Mã ở xứ Huế, Huế có thêm một địa chỉ hành hương không chỉ riêng cho phật tử mà cả du khách khi tìm về cố đô.
Mặt tiền Thiền viện
Mặt sau Thiền viện
Tháp chuông Thiền viện
Đại hồng chung tại Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã
Chánh điện Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã
Nét cố đô