“Ủng hộ tâm huyết và tin tưởng tay nghề của anh Phan Cẩm Thượng”

 Phóng viên TTXVN tại Bắc Ninh đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Duy Nhất – Phó Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh về việc trùng tu tháp Tôn Đức, chùa Bút Tháp (Đình Tổ – Thuận Thành – Bắc Ninh) sau những lời ra, tiếng vào xung quanh việc này.

Hết sức cởi mở và khách quan, ông Nhất cho biết:

– Phát hiện tòa tháp hỏng, ngày 14/1/2009, sư trụ trì chùa Bút Tháp Thích Thanh Đông và họa sĩ Phan Cẩm Thượng làm đơn xin phép trùng tu, nhưng do đơn gửi không đúng địa chỉ nên cơ quan chức năng không nắm được. Ngay cả Phòng VH-TT huyện Thuận Thành là đơn vị quản lý trực tiếp và Ban Quản lý di tích tỉnh là cơ quan quản lý chuyên môn cũng không nhận được. Sau khi nhận được công văn số 93/DSVH-DT ngày 16/2 của Cục Di sản Văn hóa ủng hộ việc trùng tu ngọn tháp, ngày 24/2, Ban Quản lý di tích tỉnh (QLDT) và Phòng VH-TT huyện đã trực tiếp làm việc với UBND xã Đình Tổ để hướng dẫn những thủ tục pháp lý cần thiết. Tuy nhiên, gần một tháng sau, chính quyền địa phương và nhà chùa vẫn chưa tuân thủ hướng dẫn này và tiếp tục cho trùng tu tháp. Như vậy, cái sai đầu tiên thuộc về UBND xã Đình Tổ. Phó Chủ tịch UBND xã cũng đã thừa nhận sai sót và đề nghị cơ quan chuyên môn giúp đỡ để công trình tiếp tục được triển khai.   Tháp Tôn Đức trước khi trùng tu (bị cây cối mọc trên ngọn)

* Còn họa sĩ Phan Cẩm Thượng – người cùng với sư trụ trì chùa Bút Tháp đứng đơn xin trùng tu – thì sao?

– Ban QLDT ủng hộ tâm huyết và tin tưởng tay nghề của anh vì anh là họa sĩ lại là giảng viên trường đại học, đã giảng cho sinh viên rất nhiều về các phương pháp trùng tu, tôn tạo các di tích, nhất là về mặt mỹ thuật. Tôi rất quý anh, anh rất giỏi và là người có tâm nên tôi cũng nhắc nhở và đề nghị anh làm đúng thủ tục. Nhưng đến một tháng anh cũng có làm đâu, như vậy rõ ràng là sai thuộc về anh. Quy kết thế này anh nghe tiếng chắc cũng không thích vì không đúng cái tâm của anh ấy. Nhưng anh đam mê nghề nghiệp quá mà quên mất trách nhiệm quản lý (ý nói trách nhiệm trong việc hoàn thành thủ tục – PV)… Anh Thượng là người có cái tâm rất tốt, rất có ý thức nên khi phát hiện ra di vật trong tháp, anh báo ngay với Cục Di sản văn hóa. Có lẽ do anh quá xót xa cho ngọn tháp cổ, quá nóng vội… Như vậy anh Thượng cũng liều lắm chứ?!

* Công văn số 167/CV – SVHTTDL ngày 20/3 vừa qua của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tu bổ cấp thiết tháp đá Tôn Đức gửi UBND xã Đình Tổ có thể được coi như một giấy phép?   Công văn của Cục Di sản Văn hóa ủng hộ đơn xin trùng tu
tháp Tôn Đức (ký ngày 16/2/2009)

– Sau khi đọc đơn của anh Phan Cẩm Thượng và tham khảo ý kiến của Cục Di sản văn hóa, Ban QLDT đã tham mưu cho Sở đồng ý cho tiến hành tu bổ. Về mặt thủ tục cho đến giờ đã cơ bản xong, thực hiện theo đúng quy trình của Bộ, Ban cũng thường xuyên cử cán bộ giám sát. Cái sai ban đầu đã xong rồi, cũng phải thể tất chứ! Việc Giám đốc Sở Nguyễn Đăng Túc ký văn bản thỏa thuận cho tu bổ là đúng luật vì công trình tu bổ này nằm trong diện tu bổ cấp thiết, phải cho tiến hành ngay không sẽ sập mất vì thực tế tháp làm bằng đá, cây mọc đã bị nứt nhiều.

* Giám đốc Sở cho biết còn thiếu bản vẽ, liệu có cần tới bản vẽ nữa không, thưa ông?

– Đứng về mặt quy trình thì cần phải có bản vẽ kỹ thuật, ảnh hiện trạng và dự trù kinh phí nhưng trong đơn tường trình anh Phan Cẩm Thượng có nói rõ “Về phương pháp chúng tôi chỉ định tháo dỡ hai ngọn tầng tháp, đào cây mọc ở trong rồi xếp các tầng đá vào vị trí cũ, hoàn toàn không dùng tới một phương tiện mới nào hay chất kết dính hiện đại. Về kinh phí địa phương sẽ ứng tác một phần, một phần do nhà chùa, phần do tôi sẽ đi quyên góp từ bạn bè hảo tâm, số tiền khoảng 50 – 70 triệu đồng, số tiền này hoàn toàn chỉ để thuê thợ tại địa phương thực hiện và không có thêm một chi phí nào khác”. Thế nên việc làm dự toán chi tiết là không cần thiết, chỉ cần khái toán. Tuy nhiên, khi hoàn công phải có đủ thủ tục như bản vẽ, báo cáo quy trình lắp ghép…

* Ông cho biết bao giờ sẽ nghiệm thu việc trùng tu tháp Tôn Đức?   – Hiện công việc đã hoàn tất, chỉ còn chờ việc phục chế hai cuốn sách bằng đồng khắc năm 1660 để trả lại về nguyên chỗ cũ rồi lắp tấm đá cuối cùng lại. Trong thời gian giao cho bảo tàng phục chế lại mất khá nhiều thời gian, lá đồng có thể tìm dễ nhưng tìm được người để đục chữ mới là cái khó. Công việc này, theo như văn bản Sở giao – được thực hiện trong 60 ngày.

* Nếu trong thời gian 60 ngày vẫn không phục chế xong, ngọn tháp chịu mưa nắng bị xảy ra sự cố thì sao?

– Tháp đã được bọc bó kỹ lưỡng, trùm bạt để tránh mưa nắng và trên thực tế đã gần hoàn thành, chỉ còn có cái chóp nên sự cố là hãn hữu!

* Xin cảm ơn ông!

Chu Thanh Vân thực hiện(thethaovanhoa)
             

ZALO - THIẾT KẾ WEBSITE NINH BÌNH
ZALO - THIẾT KẾ WEB NINH BÌNH