Nỗi lòng sư Cả

GN – Tranh thủ mấy ngày nghỉ, tôi lên thăm chùa và thăm sư Cả. Vượt ngót hai mươi cây số, lòng tôi hồ hởi khi bước chân vào sân chùa, đứng trước tượng Phật Thích Ca xá ba xá, rồi vào sala (giảng đường, hội họp và các hoạt động khác) tìm sư Cả. Nhưng hôm nay sao có cảm giác quá vắng vẻ, sala chỉ có vài Sa-di ngồi nói chuyện.

Sư Cả trên giàn sơn tại tượng Phật – Ảnh: Đ.T.S

Tôi hỏi: – Sư Cả có chùa không vậy các sư?

Một Sa-di trả lời: – Sư Cả không ở đây nữa, sư về lại quê Sóc Trăng hơn hai tháng rồi chú ơi!

Nghe tin này, lòng tôi đột nhiên chùng xuống, tha thẩn buồn. Bước chân ra khỏi sala, tôi đi lần dưới tán dừa rồi ngồi xuống bên bộ bàn ghế đá. Chính nơi này, mỗi lần tôi lên thăm, sư Cả đều tiếp đón tôi bằng tình cảm nồng hậu… Nhớ lại những ngày tháng đã qua mà lòng cảm thấy rưng rưng.

Tôi vốn là một cư sĩ Phật giáo, thờ duy nhất Phật Thích Ca. Tôi thích nghiên cứu văn hóa Phật giáo, nhưng say đắm nhất là văn hóa Phật giáo Nam tông Khmer. Từ sự mến mộ đó mà tôi tìm đến với ngôi chùa Khmer này. Phải nói rằng, chùa Khmer không có cái dáng dấp hoành tráng, bề thế như một số ngôi chùa Việt. Chùa Khmer bao giờ cũng là một quần thể kiến trúc và tượng được xây dựng, tạo tác hết sức công phu. Bất cứ một chi tiết nào của chùa cũng đều là những tác phẩm mỹ thuật. Bởi vậy, để xây dựng một ngôi chùa Khmer phải tốn nhiều công sức của những nghệ nhân lành nghề… Tôi quen biết sư Cả trong dịp đi tìm hiểu như vậy.

Sư Cả là một Tỳ-kheo am tường Phật học và kinh kệ Pali. Bên trong con người có dáng khắc khổ ấy lại là một bầu trời nghệ thuật. Nói đúng hơn, sư Cả là một nghệ nhân. Ngày còn nhỏ sư được gia đình cho vào chùa làm Sa-di tu báo hiếu, nhưng vị Sa-di ấy lại có duyên với Phật và quyết định thụ giới Tỳ-kheo tu Phật suốt đời. Trong môi trường nhà chùa tại quê nhà, sư được các vị thầy của mình truyền dạy rất nhiều thứ, đặc biệt trong đó có nghề điêu khắc tượng. Nhờ ánh sáng trí tuệ, sự gia hộ của Đức Phật và sự cần cù khổ học mà sư đã trở thành một nhà tu hành chân chính, một nghệ nhân hết sức tài hoa.

Ngôi chùa miền biên giới này sau khi xây xong thì được một vị sư già đến đảm nhiệm trụ trì. Nhưng mấy năm sau thì sư trụ trì cũng viên tịch, ở đây không ai làm Phật sự và dẫn dắt các Phật tử; đặc biệt hơn là các công trình kiến trúc, đắp tô tượng còn đang dang dở không ai có thể làm thay. Nên Ban Quản trị chùa mới quyết thỉnh sư từ Sóc Trăng về đây để tiếp tục công việc của một vị sư Cả. Thế là sư từ giã quê hương lên đường đến miền biên giới còn vô vàn khó khăn thiếu thốn này…

Bao năm tháng trôi qua, sư Cả âm thầm làm không biết bao nhiêu chuyện cho bà con Phật tử ở đây. Sư sửa sang lại chùa, tiếp tục làm các công trình mỹ thuật như đắp tượng, khắc vẽ các hoa văn trang trí… Vì chùa nghèo, sự đóng góp của bà con Phật tử có giới hạn, nên hầu như mọi việc không thuê mướn ai mà chỉ một mình sư làm. Sư không ngại gian khổ, chỉ mong sao cho chùa khang trang sạch đẹp. Có lần tôi lên chùa vào một buổi trưa nắng, thấy sư đang bắc giàn để trét bột và khắc hoa văn nếp bàn tay cho tượng Phật Thích Ca trong tư thế ấn xúc địa. Đó là một tượng Phật to lớn bậc nhất của tỉnh nhà thời ấy. Vừa làm, sư vừa tiếp chuyện với tôi. Đó là cái ấn tượng đầu tiên mà tôi được hân hạnh biết sư.

Rồi theo thời gian, tôi thường xuyên lên chùa hơn và không biết từ khi nào tôi và sư trở nên vô cùng thân thiết. Có thể nói tình cảm của sư và tôi cao cả hơn tình bạn và sâu thẳm hơn tình anh em. Mỗi lần lên thăm sư, sư đều tiếp tôi dưới bóng dừa mát rượi. Cả hai bàn luận từ chuyện Phật pháp đến chuyện văn hóa Khmer rồi đến cả việc tầm nguyên địa danh gốc Khmer… Mỗi lần gặp gỡ là mỗi lần tôi học hỏi được rất nhiều điều từ sư. Và trong lòng tôi cứ thầm nghĩ, hy vọng là sư sẽ gắn bó với mảnh đất này mãi mãi…

Nhưng chuyện đời có ai ngờ…!

Họ, họ là ai tôi xin không nói ra đây, nhưng họ là những người có thế lực và cầm đồng tiền. Họ khoác chiếc áo Phật tử nhưng tâm của họ còn bị phủ bởi bao lớp bụi mù tham dục. Họ kết bè kết nhóm, rồi từng bước lũng đoạn mọi chuyện của nhà chùa. Họ muốn lợi dụng sư, hay nói đúng hơn họ muốn sư làm một “ông vua bù nhìn” nơi cửa Phật để họ dễ bề thao túng. Nhưng họ đã lầm! Sư đã không chiều theo ý họ, mà sư luôn nhất tâm bảo vệ lẽ phải, bảo vệ Chánh pháp, bảo vệ văn hóa Phật giáo. Và cũng chính từ lẽ đó mà họ bắt đầu không ưa sư nữa, họ coi sư như cái gai trong mắt. Mà đã là cái gai thì dứt khoát phải nhổ đi…

Thế là họ bắt đầu tìm cách chia rẽ sư với các sư khác trong chùa. Vì đạo hạnh chưa cao nên các vị sư trẻ đã sa vào cái bẫy của họ, hùa theo, cô lập sư Cả. Rồi họ bắt đầu hứa hẹn với một vị sư khác sẽ lập ra trụ trì mới. Họ nói sư Cả đã không đủ uy tín và đổ nhiều lỗi khác nữa… Thế là sư quyết ra đi. Sư ra đi trong im lặng, vì sư biết có lẽ sư đã hết duyên với các Phật tử ở nơi đây. Sư ra đi để họ không phải khó xử. Sư ra đi để các vị khác được vui lòng!

Sư Cả ơi! Bây giờ sư đang ở đâu? Khi tôi ngồi viết những dòng này, mỗi dòng chữ là mỗi dòng nước mắt. Tôi nhớ bóng hình sư Cả, một nhà sư Khmer rất đỗi hiền từ, một nghệ nhân tài hoa, một bậc chân tu hết lòng bảo vệ Chánh pháp. Nhưng hỡi ôi, xưa nay trên đường tu đến Phật có bao giờ suôn sẻ dễ dàng đâu. Năm xưa Đức Phật từ khi rời bỏ kinh thành cho đến khi thành đạo đâu phải ít gian nan! Ngày nay sư Cả chịu nạn này cũng coi như một thử thách trong muôn ngàn thử thách mà trên đường về cõi Phật sư phải vượt qua… Tôi đã gắn bó với sư, rất hiểu nỗi lòng sư. Càng hiểu sư, tôi càng mến mộ sư. Mến mộ một trái tim Chánh pháp, một sự im lặng để vạn sự được yên hòa. Mỗi bước chân sư đi là mỗi pháp ấn in vào tâm khảm nơi tâm hồn bé nhỏ của tôi…

Sư Cả ơi! Bây giờ sư đang ở đâu?

Đào Thái Sơn

Nỗi lòng sư Cả
ZALO - THIẾT KẾ WEBSITE NINH BÌNH
ZALO - THIẾT KẾ WEB NINH BÌNH