Nguyện làm Bồ-tát

GN – Lật trang sách cũ (trang 112, Đến với Phật cùng tôi, Cao Huy Thuần, Nxb Hồng Đức – 2016), đọc lại bài viết của vị giáo sư Phật tử viết cho giới trẻ về tình yêu, trong đó có đoạn: “Chúng tôi cũng muốn đưa độc giả đến một vùng văn hóa Phật giáo khác, nơi mà đạo Phật đang trên đà phát triển: ở đó, cách học và cách hành lời Phật dạy làm chúng ta ngạc nhiên, thán phục và cảm động. Chắc chưa có người Phật tử Việt Nam nào sắp lập gia đình mà làm hai lời nguyện như một Phật tử Mỹ: nguyện làm vợ và nguyện làm Bồ-tát”.

Phát nguyện – Ảnh minh họa

Tôi tin lời vị giáo sư Phật tử đáng kính viết ra trong trang sách ấy. Vô cùng ngưỡng mộ vị tín nữ Phật tử ở phương Tây, nơi có nền văn minh và khoa học tiến bộ, có cuộc sống thực dụng, tiện nghi và hưởng thụ, không dễ gì họ đặt niềm tin vào đạo pháp nếu không mang lại lợi ích; phương Tây lại là một nơi đạo Phật chỉ mới du nhập, nhưng sự học hỏi và hiểu biết của họ về đạo Phật đủ niềm tin để họ có thể phát ra hai lời nguyện cao cả như vậy.

Lời nguyện thứ nhất là nguyện làm vợ thì từ cổ chí kim người tín nữ Việt nào cũng đều nguyện như vậy. Không riêng gì những nữ Phật tử mà những người không phải đạo Phật cũng có lời nguyện làm vợ như vậy. Nữ sĩ Xuân Quỳnh đã viết lời nguyện đó trong một bài thơ: “Em trở về đúng nghĩa trái tim em/ Là máu thịt, đời thường ai chả có/ Cũng ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa /Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi”. Lời nguyện làm vợ không chỉ đến trăm năm răng long đầu bạc, mà vẫn còn “biết yêu anh cả khi…”  mãn kiếp về một cõi khác.

Lời nguyện thứ hai là làm Bồ-tát. Đối với người xuất gia nguyện này đã khó, huống hồ một người tín nữ tại gia. Hỏi có ai dám đủ nguyện lực và dũng cảm quỳ trước Đức Thế Tôn trong lễ Hằng thuận để nói lên lời nguyện làm Bồ-tát này?

Tuy rằng người Phật tử Việt không có lời nguyện làm Bồ-tát, nhưng trong lòng mỗi tín nữ Phật tử cũng đã có những nguyện ước thầm kín như cô Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân đã chia sẻ sau khi làm lễ Thế phát xuất gia: “Và rồi tôi đã chạm vào ước nguyện từ lâu lắm rồi, không nghĩ suy. Khi nhát dao cuối cùng lướt trên da đầu, tôi được dội nước, lau khô. Và khi mở mắt ra, tất cả trong tôi nhẹ tênh. Từ nay hoan hỷ trên con đường mình đã chọn. Không chút phân vân – dù một mình trong căn nhà nhỏ hay ở ngôi nhà nào lớn hơn. Có bạn đồng tu… thì tôi biết mình đã đúng, đã chạm vào ước nguyện cuối cùng”.

Ước nguyện cuối cùng của cô Cẩm Vân chắc chắn là ước nguyện làm Bồ-tát, một lời nguyện chính đáng. Liệu ở cái tuổi 65 này cô còn đủ thời gian để thực hiện thành công ước nguyện ấy? Không ai có thể biết trước điều gì sẽ xảy ra trong ngày mai. Cánh “Cửa thiền môn” vẫn rộng mở để cho cô bước vào với một tâm thế nhẹ tênh đầy háo hức.

Với tôi, cô Cẩm Vân là một tín nữ xuất sắc của Đức Phật. Cô đã tiên phong lựa chọn đi trên con đường khó nhất đối với một người nữ đó là “làm Bồ-tát”, để những tín nữ khác noi gương mạnh dạn thực hiện ước nguyện thầm kín của mình vào đúng thời điểm duyên lành hội đủ, mọi ràng buộc nợ trần trả hết.

Sáu lăm tuổi, nguyện làm Bồ-tát

Quyết xuất gia dẫu biết muộn màng

Trả hết nợ gia đình – dứt áo

Cẩm Vân cô – Nương

Ánh đạo vàng. (L.Đ)

Lê Đàn

Nguyện làm Bồ-tát
ZALO - THIẾT KẾ WEBSITE NINH BÌNH
ZALO - THIẾT KẾ WEB NINH BÌNH