GN – Thuận và nghịch duyên – là chủ đề buổi pháp thoại được thầy Đức Long – giáo thọ Thiền phái Trúc Lâm chia sẻ với các thiền sinh trong khóa tu ngày 16-6-2019 tại thiền viện Trúc Lâm Hiện Quang (Long Thành, Đồng Nai).
Thầy Thích Đức Long, giáo thọ thiền viện giảng pháp tại Hiện Quang (Đồng Nai) – Ảnh: Bình Minh
Bài giảng của thầy đan xen giữa chuyện xưa-chuyện nay, với nàng Sa Đọa được Đức Phật độ, chứng đến Thánh quả; đến nàng Liên Hoa Sắc trải qua trăm ngàn nỗi khổ, cuối cùng tu chứng đến Đệ nhứt thần thông của Ni đoàn thời Đức Phật.
Trong nỗi khổ cùng cực, người ta ngộ được chân lý. Đó là một duyên – từ chỗ nghịch đưa tới kết quả tốt. Ý đó được thầy giáo thọ liên hệ tới lời chúc của một người cha (bên Mỹ) trong lễ tốt nghiệp của con mình: “Ba chúc con trong đời gặp vài lần bất như ý”!
Ôi, có ai chúc con mình vậy không? Tất nhiên lời chúc đó có thâm ý riêng, rằng con phải trải qua vài lần lên bờ xuống ruộng, thấm thía nỗi khổ để thấy rõ cuộc đời không phải dễ dàng. Rồi thầy nói, thực ra, cuộc đời không thiếu những bất như ý, điều cốt lõi là làm sao để con có nghị lực vượt qua.
Xen vào chuyện giáo dục con, thầy kể câu chuyện một tử tù viết thư cho mẹ: “Nếu cuộc đời này thật có công lý thì mẹ và con phải đi tù cùng nhau. Mẹ nhớ không, hồi xưa khi con trộm trái ổi hàng xóm, mẹ vui vẻ giấu ba và cho con ăn ‘thành quả’ đó; khi con ăn cắp tiền trong siêu thị trót lọt, mẹ khen con giỏi, rồi cãi nhau với bố khi bố mắng hành vi đó của con – đến mức bố phải bỏ đi. Mẹ đã tạo ra cho con một tính cách hư hỏng từ đó…”. Thầy nói lá thư này hẳn sẽ gợi cho các Phật tử cách giáo dục con mình, trao cho con quan điểm sống chính là điều quan trọng nhứt.
Trong chiều thuận-nghịch của nhân duyên, tưởng rằng bảo vệ con là thương con, là tạo thuận duyên cho con, nhưng trong tình huống này không đúng. Thương mà không có trí tuệ là hại con, tạo ra nghịch duyên cho con.
Cuối buổi, thầy nhắc Phật tử ráng tu, đừng đổ thừa hôm nay hay ngày mai con bận thứ này thứ khác, rồi cứ để mình cuốn theo dòng đời mà không biết bao giờ mới dừng lại. Thuận hay nghịch duyên do mình, cái chính là bản thân về thu xếp lại, nhìn lại, rồi dũng mãnh đến với đạo, sống với đạo.
Và khi sống được với đạo – làm đúng những bổn phận trong tương quan nhân-quả một cách tỉnh thức, mỗi người sẽ xây dựng được an vui, kiến tạo được hạnh phúc gia đình, trên dưới sống có hiểu biết.
Khóa tu thiền diễn ra Chủ nhật hằng tuần
Sau một tiếng di chuyển từ Sài Gòn, bạn có thể đến một trong số các thiền viện tại Đồng Nai như Trí Đức, Hiện Quang, Thường Chiếu… thuộc Thiền phái Trúc Lâm (do Thiền sư Thích Thanh Từ xiển dương).
Buổi nghe pháp thanh tịnh – Ảnh: Bình Minh
Thời khóa bắt đầu từ 8g với thời kinh Bát-nhã, sám hối sáu căn và lễ Phật, lễ Tổ. Không khí lắng đọng với thời thiền tọa, thở vào ra chánh niệm suốt 30 phút dưới sự hướng dẫn của chư Ni thiền viện.
Nghi thức xả thiền theo hướng dẫn, rồi mọi người đứng lên thiền hành trong 10 phút, thư giãn từng bước đi chánh niệm.
Lễ Phật sau thời thiền hành, mọi người giải lao, vào trai đường thọ thực: tam đề – ngũ quán, nguyện đoạn phiền não, nguyện độ chúng sinh, nguyện thành Phật đạo… Ăn cũng là thời công phu, biết ơn tròn đầy.
Thời thọ trai hoan hỷ, nhẹ nhàng, không ai nói chuyện ồn ào khép lại buổi sáng tu học thanh tịnh. Mọi người chỉ tịnh trong không gian xanh mát, an lành, nằm nghiêng thở nhẹ vào giấc nghỉ để đầu giờ chiều nghe pháp thoại.
Điều đáng mừng là, tại khóa tu, tôi gặp nhiều người trẻ, nam nhi đi tu cũng nhiều. Được biết, khóa tu ở các thiền viện Trúc Lâm – tổ chức luân phiên mỗi Chủ nhật: tuần 1 tại Trí Đức Tăng, tuần 2 Trí Đức Ni, tuần 3 Hiện Quang và Chánh Giác, tuần 4 Thường Chiếu.
Lưu Đức Bình Minh