Không thể trả ơn được

GN – Đạo Phật ngoài tính từ bi, trí tuệ giải thoát những mê lầm, chấp ngã còn một điều rất quan trọng, bàng bạc khắp trong Kinh tạng từ Nguyên thủy đến Phát triển, đó là hạnh hiếu.

Nước mắt mùa Vu lan vì cảm được ơn cha mẹ quá lớn – khó thể báo đền – Ảnh minh họa

Chúng ta đã rất quen thuộc với bản kinh Vu lan trong mùa Vu lan Báo hiếu hoặc những khi gia đình nào đó có tang sự – mẹ mất, thì bản kinh hiếu hạnh về ơn nghĩa sinh thành lại được cất lên thống thiết không thể ngăn dòng lệ tưởng nhớ. Đừng nghĩ về bản kinh ấy chỉ khi nào có mẹ hoặc cha mất thì mình mới khởi tụng. Hãy thường tụng để răn nhắc cho lòng luôn hiếu thảo, nghĩ và làm gì đó tốt hơn nữa để được một phần thật nhỏ nhoi trong sự báo đền ơn nghĩa sinh thành dưỡng dục của song thân cũng đủ thấy ấm lòng trên cõi người này!

Rồi một lần nào đó trong cuộc đời, chúng ta nên giở lại những dòng chữ ngắn thôi nhưng đó là lời vàng của Đức Thế Tôn đã chỉ bày, răn dạy, nghiêm khắc, rõ ràng, nhẹ nhàng mà sâu sắc để những người con nghe, đọc, ngẫm nghĩ rồi hành động đúng đạo làm con. 

Chiều nay sen nở trên bàn thờ tổ tiên! Chiều nay con thắp hương và thấy di ảnh cha cười hiền như thuở nào! Chiều nay con thắp hương và thấy di ảnh ảnh ông, bà cười như thuở hiện tiền! Con lặng im gửi thầm những lời nguyện cầu cho người đã mất mau về cõi an lành, người còn sống được thấy Chánh pháp, đi đúng con đường chí thiện. Con nghĩ về mẹ, con mong cầu cho mẹ được bình an, được vẹn nguyên nụ cười của sức sống, cùng đi tiếp những ngày mai bên con cháu!

Con đọc chậm lại dòng kinh Phật dạy và nghe vọng từ xa, rất xa tiếng đại hồng chung. Âm thanh ấy như đang nhắc nhở đứa con thờ ơ, bước chân phiêu lãng sao chưa quay về thăm mẹ, chưa nở nụ cười thật tươi bên mẹ. Chữ hiếu rụng bời bời như những nhánh bông đầu lân (một số người gọi sai là sala) rụng trên sân chùa. Hương dìu dịu và thoang thoảng nhưng cứ đằm sâu da diết. Lòng con gọi “Mẹ ơi!”.

Không thể trả ơn được vì ơn này quá lớn, nghĩa này quá sâu, tình này quá rộng, năm châu bốn biển cho tới cả quả đất, rộng khắp muôn vạn hành tinh có mặt cũng không thể cân đong đo đếm với ơn nặng những gì mẹ và cha đã làm cho chúng ta.

Dù cho mang vác, cõng, đội mẹ cha trên đầu, xoa bóp, tắm rửa, săn sóc lúc cha mẹ bệnh, già yếu cũng chưa thể trọn vẹn, chẳng thể làm đủ được bằng tâm biết ơn, nhớ ơn, đền ơn, vô ngã. Khi còn nhỏ, mẹ cha vì mình đã làm tất cả, từ việc bón thức ăn, dìu dắt từng bước đi đầu tiên, lo cho ăn học rồi lớn lên là dựng vợ gả chồng, cho tới lúc thành công hay thất bại thì mẹ cha vẫn âm thầm hoặc trực tiếp giúp đỡ, thương yêu, bảo bọc không tính toán. Còn những người con thì sao? Đã chăm sóc mẹ cha không kêu ca chưa? Khi họ có nhiều bất tiện lúc về già, không làm chủ được cơ thể, chẳng thể nào nhanh nhẹn, tinh anh như thuở trẻ thì mình đã che mũi, nhăn mặt, né tránh, lánh nặng tìm nhẹ đùn đẩy cho anh em, làm qua loa để còn vì công việc, vì những cuộc gặp gỡ bên ngoài. Mình không dám đối diện sự thật và khi sen tàn, hoa rã, người đi thì lại khóc, khóc nức nở, khóc của dối trá, khóc của sám hối muộn màng, khóc mong được mẹ cha tha thứ, khóc để mong được gặp lại người… Rất nhiều cung bậc trong hành trình nhân sinh mà ai rồi cũng trải qua. Dù vui dù buồn, dù hiếu hạnh hay phủi ơn cha mẹ thì bài học luân lý này vẫn luôn mới, vẫn luôn đẹp, ý nghĩa, sâu sắc, làm cho chúng ta lớn khôn thêm, trưởng dưỡng thiện tâm. Từ đời tới đạo đều là bậc thang hoa nở, nếu làm đúng như lời bậc Chánh Đẳng Giác dạy.

Chỉ khi nào khích lệ, trưởng dưỡng làm được và nuôi lớn “lòng tin”, “thiện giới”, “bố thí”, “trí tuệ” cho mẹ cha thì mới có thể gọi là trả ơn cho họ. Nhưng khó, rất khó ai làm được một cách đầy đủ và rộng lớn! Cho nên, chúng ta mãi là những người con mang ơn cha mẹ, mãi là những người con cần ghi nhớ công ơn sinh dưỡng, luôn tìm mọi cơ hội để báo đáp ơn ấy trong thời hiện tại cho đến muôn đời nhiều kiếp. Vì cha mẹ đã giới thiệu chúng ta vào cõi đời này.

Thân người khó được, nay đã được. Lại nữa, có một thân thể khỏe mạnh, sáu căn đầy đủ, thông minh tài trí thì điều này đều nhờ vào ơn cha mẹ đã nuôi nấng, khơi dậy những “năng khiếu”, thắp sáng “trí tuệ”, vun bồi đạo đức cho chúng ta…

Chiều nay, con nghe lời kinh bay trên những đôi cánh thiên thần. Mẹ đang hiện trong trí con, cha đang hiện trong trí con với nụ cười từ ái cho con bước vào đời, vượt qua trũng sầu, hướng đến quang minh thiện lành. Con chỉ thầm nói được: “Cảm ơn mẹ cha! Cảm ơn tất cả những gì mẹ cha đã làm cho con trong cõi đời này!”.

Thật vậy, trong Tăng chi bộ (tập 1, chương 2, phẩm Tâm thăng bằng), Đức Phật dạy rõ: “Có hai hạng người, này các Tỷ-kheo, Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỷ-kheo, nếu một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm, cho đến trăm tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dầu tại đấy, mẹ cha có vãi tiểu tiện đại tiện, như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Hơn nữa, này các Tỷ-kheo, nếu có an trí mẹ cha vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu này, như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, mẹ cha đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này. Nhưng này các Tỷ-kheo, ai đối với mẹ cha không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn an trú, các vị ấy vào lòng tin; đối với mẹ cha theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện giới; đối với mẹ cha xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào bố thí; đối với mẹ cha theo ác trí tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha”.

Thiện Ngộ

Không thể trả ơn được
ZALO - THIẾT KẾ WEBSITE NINH BÌNH
ZALO - THIẾT KẾ WEB NINH BÌNH