Liên tục mấy tháng qua, tuy được kêu gọi ngừng thi công các hạng mục trong khu di tích – danh thắng Yên Tử khi chưa được cấp phép nhưng Công ty cổ phần phát triển Tùng Lâm vẫn cố tình thi công.
Cầu và kè đá tại suối Giải Oan do Công ty Tùng Lâm thi công trái phép được yêu cầu tháo dỡ – Ảnh: Nguyễn Đán
Liên tục trong mấy tháng qua, chính quyền thị xã Uông Bí và Sở Văn hóa – thể thao và du lịch, ban quản lý các di tích trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh đã có công văn yêu cầu Công ty cổ phần phát triển Tùng Lâm (đơn vị đầu tư tuyến cáp treo Yên Tử) ngừng thi công các hạng mục trong khu di tích khi chưa được cấp phép. Dù vậy, Công ty Tùng Lâm vẫn cố tình thi công.
Thi công trước, xin phép sau!
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 24-12, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc cho hay UBND tỉnh đã yêu cầu Công ty Tùng Lâm tháo dỡ ngay công trình kè đá ở suối Giải Oan, trả lại cảnh quan, môi trường di tích và giao Sở Văn hóa – thể thao và du lịch, UBND thị xã Uông Bí giám sát việc thực hiện. Riêng hai dãy kiôt, chủ đầu tư có ý kiến là “công đức” cho bà con bán hàng và cây cầu đá thì tạm thời giữ lại.
Ngoài ra, các công trình còn lại phần nhiều đều chưa hoàn thiện hồ sơ, vì vậy UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư cần tiến hành ngay để báo cáo và xin phép cơ quan chức năng thi công xây dựng… khi công trình đã và đang hoàn thiện (!).
Tuy nhiên, ông Đọc từ chối trả lời về việc xử lý vi phạm của Công ty Tùng Lâm và các đơn vị chức năng liên quan đã không giám sát chặt chẽ việc thi công theo kiểu “tiền trảm, hậu tấu” này.
Theo tìm hiểu của PV Tuổi Trẻ, khu di tích – danh thắng Yên Tử hiện đang được đầu tư xây dựng khá nhiều công trình. Ở khu vực dốc Hạ Kiệu là công trình xây dựng hai cột đá trụ cổng ra vào di tích; còn ở khu vực suối Giải Oan là công trình xây dựng kè đá dài 24m, chiều cao 1,2m; rồi cây cầu bằng đá xanh bắc qua suối Giải Oan có chiều dài khoảng 20m, giữa cầu dựng lầu gỗ dạng sân khấu thực cảnh. Ở phía cổng lên chùa Giải Oan cũng đang tiến hành xây dựng hai dãy kiôt, được chia thành 20 ô, mỗi ô rộng 9m2 bằng chất liệu bêtông cốt thép, cả hai dãy kiôt đều đã đổ xong cột và khung mái…
Theo thống kê của Sở Văn hóa – thể thao và du lịch Quảng Ninh, hiện có đến chín điểm thi công tại khu vực di tích – danh thắng Yên Tử mà chủ đầu tư tiến hành xây dựng các công trình này chưa được cấp phép xây dựng, thậm chí các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh chưa nhận được bản quy hoạch, thiết kế nào do Công ty Tùng Lâm báo cáo.
Tuy nhiên, khi tiếp xúc với chúng tôi, giám đốc Công ty Tùng Lâm Nguyễn Văn Thiết khẳng định việc công ty triển khai xây dựng kiôt, cầu và kè đá để khu vực này đỡ lụp xụp, khang trang hơn, nhằm phục vụ nhu cầu đi lại thuận lợi hơn cho khách tham quan. “Trước khi xây dựng, công ty đã xin phép và báo cáo UBND thị xã Uông Bí và đã có sự đồng ý của các cơ quan quản lý nhà nước. UBND thị xã Uông Bí cũng đã cho phép thi công!”.
Trong khi đó ông Nguyễn Thành Phố, chủ tịch UBND thị xã Uông Bí, lại khẳng định UBND thị xã chỉ cho phép Công ty Tùng Lâm xây dựng một số tay vịn ở các khúc cua nguy hiểm. Còn việc xây dựng cầu đá, kè đá của suối Giải Oan thị xã không cho phép.
Ông Nguyễn Công Lộc, trưởng ban quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh, cũng cho biết Công ty Tùng Lâm thi công các hạng mục trên chưa có báo cáo gì với ban quản lý. Ông Lộc cho rằng cụm di tích suối Giải Oan là một di tích lịch sử, tại đây còn có tấm bia ghi rõ: “Suối Giải Oan – nơi các cung tần mỹ nữ trầm mình xuống suối để tỏ lòng trung với vua Trần Nhân Tông khi vua về Yên Tử tu hành”.
Việc thi công xây dựng tự do tại khu di tích này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan thắng cảnh Yên Tử, phá vỡ các cấu trúc của cụm di sản đã và đang trong quá trình đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, trong số chín công trình đang thi công xây dựng, gồm có hai công trình do Tỉnh hội Phật giáo đầu tư gồm bể chứa nước và bệ đặt tượng vua Trần Nhân Tông, năm công trình do Công ty cổ phần Tùng Lâm đầu tư xây dựng, còn hai công trình xây nhà, mỗi nhà có diện tích 20m2, chính Sở Văn hóa – thể thao và du lịch cũng chưa rõ… chủ đầu tư và mục đích xây dựng (?!).
Điều đáng nói là việc thi công ồ ạt, huy động nhiều nhân công, máy móc diễn ra trong một thời gian dài tại khu di tích mà UBND thị xã Uông Bí không có động tĩnh gì, thậm chí khi biết việc thi công kè và cầu trên suối Giải Oan không phép, UBND thị xã cũng không có văn bản nhắc nhở về thủ tục hồ sơ và đình chỉ thi công.
Đ.H.LỰC – N.ĐÁN(Tuổi Trẻ)