Quá trình giao thoa, kết hợp và dung hòa với văn hóa Trung Hoa xưa nay thể hiện khá rõ nét ở nghệ thuật tổ chức không gian Thiền trong vườn cảnh Việt Nam. Dù hai đất nước có những điều kiện thiên nhiên, ngôn ngữ, khí hậu khác nhau thì vẫn có thể nhận thấy nét tương đồng từ bài trí sân vườn rộng rãi đến chậu cây bon sai nhỏ xinh.
Quá trình giao thoa, kết hợp và dung hòa với văn hóa Trung Hoa xưa nay thể hiện khá rõ nét ở nghệ thuật tổ chức không gian Thiền trong vườn cảnh Việt Nam. Dù hai đất nước có những điều kiện thiên nhiên, ngôn ngữ, khí hậu khác nhau thì vẫn có thể nhận thấy nét tương đồng từ bài trí sân vườn rộng rãi đến chậu cây bon sai nhỏ xinh.
Đô thị ngày càng phát triển, không gian cho thiên nhiên càng bị thu hẹp khiến những mảng xanh càng trở nên hiếm hoi, cần thiết hơn. Do đó nghệ thuật tiểu cảnh trong nhà ngày càng thể hiện rõ thái độ trân trọng thiên nhiên, lựa chọn loại cây phù hợp để trồng và trưng bày một cách tương hòa trong mỗi gia đình, góp phần tạo nên những chốn Thiền định xanh tươi.
Vườn Thiền phía sau chùa Thiên Mụ ( Huế),
một đặc trưng nghệ thuật sân vườn Phật giáo.
Không chỉ là vật trang trí
Xưa nay dùng cây cối trong nội thất chính là liệu pháp cân bằng và cải tạo Sinh Khí một cách đơn giản và dễ điều chỉnh nhất. Trong một căn phòng làm việc có nhiều loại vật dụng, hãy thử đặt vài chậu kiểng, bình hoa trên bàn và hoặc giò lan trên cửa sổ, hiệu quả giảm stress sẽ đến rõ rệt nhờ việc cân bằng Âm Dương, hài hòa hành Mộc với Kim. Tuy nhiên việc bố trí cây cối, tiểu cảnh cũng phải tương quan chặt chẽ với không gian. Cây cối nhiều quá nếu không được sắp xếp hợp lý sẽ dẫn đến ẩm thấp, tối tăm, vướng víu tầm mắt và dễ sinh hỏa hoạn (Mộc Sinh Hỏa). Nghệ thuật vườn Thiền phương Đông đã nêu rõ: luôn cần giữ khoảng trống thoáng đãng, trồng cây có chính phụ, đưa cây vào nội thất có chọn lọc.
“Sức khỏe” của cây cối cũng là thước đo Sinh Khí cho mỗi ngôi nhà. Khi một loại cây trồng có dấu hiệu tàn úa, cần khắc phục ngay để duy trì sự quân bình. Gần thì điều chỉnh tại ngay cây đó như xới đất, tưới nước hay tỉa cành, xa hơn là quan sát cả không gian chung quanh xem có bị nắng nóng hay để cây quá sâu trong nhà khiến cây thiếu dưỡng khí hay không. Tốt nhất là nên chọn các loại cây phù hợp với cấu trúc, hình khối và hướng của nhà (cây ưa nước hay kỵ nước, ưa nắng hay thích bóng râm, cây sậm lá hay nhiều hoa…)
Chọn cây trong nhà theo… tên!
Câu “danh chính ngôn thuận” trong văn hóa truyền thống Hán- Việt đã được ứng dụng trong phong thủy và nghệ thuật khá nhiều, cụ thể là qua việc đặt tên các loại cây cối luôn được người Việt nói riêng và dân châu Á nói chung cân nhắc để hướng đến yếu tố may mắn. Tất nhiên, những cái “danh” ấy luôn được các nhà vườn và nghệ nhân giải thích tương ứng với hình dáng, xuất xứ, đặc tính của cây và có sự sắp xếp hệ thống để khách hàng cảm nhận và lựa chọn tùy theo quan điểm và hoàn cảnh riêng mỗi nhà. Những loại cây được xem là Cát Tường, mang lại Sinh Khí và không gian Thiền định trong nhà ở có thể hệ thống trong một số bộ chủ yếu sau:
a. Bộ Tứ Linh: Đa – Sung – Sanh – Si, vốn là những cây lâu năm, dáng đẹp, rễ bám bền chắc và cành lá xum xuê, những cây này hay được uốn theo những thế truyền thống thể hiện tiểu vũ trụ trong đại vũ trụ bao la.
b. Bộ Tứ Quý: Mai- Lan- Cúc- Trúc tương ứng theo bốn mùa trong năm, hoặc là Tùng – Trúc– Cúc– Mai tượng trưng cho tuổi thanh xuân và khí tiết của con người, trong đó Tùng và Trúc có dáng vươn cao tượng trưng cho nam tử trượng phu, còn Cúc – Mai tươi đẹp mềm mại tiêu biểu cho nữ nhi hiền thục.
c. Bộ Tam Đa: gồm có cây Sung sai quả (hoặc cây Đa) ở dạng bonsai tượng trưng cho Phúc. Cây Lộc Vừng hoặc Phát Tài tượng trưng cho Lộc. Cây Bách Tuế, Thiên Tuế hay Vạn Tuế, Vạn Niên Tùng, Sống Đời… tượng trưng cho Thọ.
Ngoài ra còn một số loại cây khá được ưa chuộng bởi những tên gọi mang ý nghĩa may mắn, hướng đến nhiều mong ước của các gia chủ. Có thể kể đến Cần Thăng (mong muốn thăng tiến), Đỗ Quyên, Trạng Nguyên (đỗ đạt, học giỏi), Kim Ngân, Kim Quýt (Tài lộc dồi dào), Đào- Mai- Hồng (duyên tình tươi thắm), Hướng Dương, Cúc Vàng (đón ngày mới, ấm áp tự tin). Các loại hoa cắt cành ngoài hoa hồng, phong lan… thì Cát Tường mang ý nghĩa may mắn, hanh thông mọi việc hoặc hoa Thiên Điểu với ý nghĩa tượng trưng cho sự phóng khoáng, bay bổng, cũng khá được ưa chuộng.
Đặc biệt hoa Sen (được nhiều ý kiến đề xuất chọn là quốc hoa của Việt Nam), nhất là Sen Phật Bà xưa nay luôn tượng trưng cho lòng thành kính hướng thiện. Với một dân tộc Việt kính ngưỡng Phật giáo cả mấy ngàn năm thì hoa sen không chỉ đơn giản thể hiện đức tin và sự tôn nghiêm, mà còn là biểu hiện khát vọng vươn tới tâm thái thanh tịnh và tinh khiết.
Các nghệ nhân cây cảnh thường tạo dáng cây theo các chủ đề truyền thống như Tam Cương Ngũ Thường, Tam Tòng Tứ Đức, Nhị Thập Tứ Hiếu … trong đó các phần Ngọn, Thân, Rễ tương đương với quan niệm Thiên – Địa – Nhân phải hài hòa, không được xem nhẹ phần nào. Tiêu chuẩn cơ bản là Nhất Hình– Nhì Thế– Tam Chi– Tứ Diệp nhằm có được những dáng cây hài hòa, khỏe mạnh, vừa mang ý nghĩa giáo dục thẩm mỹ truyền thống vừa tạo nên hình thế tươi đẹp cho người thưởng ngoạn. Nó còn có ý nghĩa cải tạo tốt nội khí nơi ở, đem lại sắc thái thiền định chân phương và giá trị tinh thần sâu sắc.
Bài VỌNG BÌNH; ảnh : KHÁNH NGỌC (Du Lịch Tâm Linh 3)