Nhân đọc bài Di tích lịch sử “bị” làm mới:Phải chăng không biết thì không có tội?

Tôi rất tâm đắc với bài viết  của tác giả Trần Mỹ Hiền gần đây về các “di tích bị  làm mới” đã gióng lên hồi chuông báo động một “tệ nạn trùng tu” đình chùa mà từ lâu ai cũng biết nhưng cố ý hoặc vô tình làm ngơ.

Cách đây mấy năm, tôi có dẫn anh Huỳnh Ngọc Trảng dạo quanh một số chùa mục đồng ở địa phương (Cai Lậy – Tiền Giang) để sưu tập tư liệu (mà anh đã viết trong quyển Tượng mục đồng: Mỹ thuật dân gian Nam bộ-NXB Văn hóa 1996). Chuyến đi này chúng tôi đã phát hiện ra nhiều tượng cổ bằng đất sét, bằng gỗ… có giá trị mỹ thuật và có niên đại ngót nghét 200 năm. Gần đây có dịp trở lại những ngôi chùa nói trên, thì ôi thôi các tượng cổ ấy đã bị các sư trụ trì “nhập tháp”, thế vào đó bằng những pho tượng mới để “hoành tráng hơn”. Sự việc này tôi có trao đổi cùng cơ quan Bảo vệ di tích và Bảo tàng ở địa phương, nhưng hình như họ đã không với tới để can thiệp, vì lẽ đó là chuyện của giáo hội Phật giáo.

Mới đây, ở địa phương tôi lại xảy ra sự việc đau lòng nữa. Nguyên chùa Bửu Long là một ngôi chùa cổ cách nay khoảng trên 150 năm, tọa lạc tại vàm Tham Rôn, thuộc xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy. Ngôi chùa này có một số tượng gỗ như tượng Phật, tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Diêm Vương, Hộ Pháp, Giám Trai… có niên đại từ thuở khai sơn ngôi chùa. Khoảng năm 1951, thực dân Pháp đóng bót tại vàm Tham Rôn nên ngôi chùa bị dời vào ngọn Tham Rôn cất lại. Khi xã Cẩm Sơn bị bom đạn ác liệt thì bà con địa phương khiêng tượng ra giữa đồng, cử người đốt nhang hàng đêm, duy trì tín ngưỡng. Sau năm 1975, dân địa phương xây dựng một ngôi chùa nhỏ bên cạnh miễu Bà Chúa Xứ và rước bộ tượng này về thờ. Cách đây ba năm, một sư cô về trụ trì, cất lại ngôi chùa mới và tuyên bố xanh rờn: “Tượng Phật như cái áo rách, không thể vá bận hoài, sẽ rước tượng mới rồi nhập tháp tượng cũ” (tức đem chôn bộ tượng nói trên). Ngoài ra, một số hiện vật cổ của chùa như bao lam, biển liễn sơn son thếp vàng cũng bị sơn phết mới làm mất giá trị di tích cổ.

Lại thêm chuyện cười ra nước mắt nữa: Vĩnh Tràng là ngôi chùa nổi tiếng ở Mỹ Tho, được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Cổng tam quan của chùa trước đây có bức tượng của HT.Trà Chánh Hậu rất đẹp. Mới đây, khi trùng tu lại cổng tam quan, người ta lại thỉnh tượng Hòa thượng Trà Chánh Hậu vô trong, thay vào đó bằng pho tượng Phật. Tạm chấp nhận đi, bởi dân gian trước đây có câu ca dao châm biếm hơi khiếm nhã “Vĩnh Tràng thấy Phật muốn tu; Ngại khi qua  cổng…”. Nhưng lại có điều trái khoáy mà những người chủ trương dời tượng quên rằng nội dung câu đối hai bên cổng là ca tụng công đức HT.Trà Chánh Hậu. Cho nên người biết chuyện có thêm một sáng tác mới “Vĩnh Tràng – ai muốn tham quan; Phật thay thế Tổ thế gian lạ kỳ”.

Hai sự việc nêu trên là một trong nhiều chuyện tương tự xảy ra ở các ngôi chùa tại địa phương, song cứ “thầy đổ bóng, bóng đổ thầy” hoài thì sự mất mát di sản tiền nhân càng lớn. Trong bài viết của tác giả Trần Mỹ Hiền, giáo sư Trần Lâm Biền nói: “Thay thế hoàn toàn những cái cũ mà vẫn bảo đấy là di tích gốc thì theo tôi, nhìn từ góc độ văn hóa, đấy là ‘kẻ phản động’ về bản sắc văn hóa dân tộc, ‘phản động’ trong vấn đề di sản văn hóa truyền thống….”.

Tiếc là ý kiến của giáo sư Trần Lâm Biền là ý kiến cá nhân của nhà nghiên cứu chứ chưa là ý kiến chính thức can thiệp từ ngành Văn hóa – ít nhất cũng là từ Cục Di sản, nhưng còn trách nhiệm của các giáo hội Phật giáo ở địa phương? Xử như thế nào? Phải chăng “Không biết thì không có tội”?

NGUYỄN NGỌC PHAN

ZALO - THIẾT KẾ WEBSITE NINH BÌNH
ZALO - THIẾT KẾ WEB NINH BÌNH