Mở cửa bí ẩn tháp Chămpa và Phật viện Đồng Dương

Nhà nghiên cứu văn hóa Thông Thanh Khánh – Ảnh: G.HTháp Chămpa và Phật viện Đồng Dương luôn thu hút các nhà khoa học trong nước và trên thế giới. Nhà nghiên cứu văn hóa Chăm – Thông Thanh Khánh hé lộ nhiều thông tin thú vị.

* Thưa ông, sự có mặt của tháp Chămpa đã nói lên sự hiện diện của một nền văn hóa và mỹ thuật kiến trúc với các dấu ấn đặc biệt ra sao?

Điều này các nhà nghiên cứu, các tác giả văn học cũng đã nói đến nhiều rồi. Ở đây tôi muốn nói đến hình ảnh và tên gọi quen thuộc của một ngôi tháp, hay nói chính xác hơn là của cụm tháp cổ Chămpa tên gọi là: Bánh Ít. Ngay tên gọi cũng cho ta hình dung được hình dáng của các tháp này như hình của loại bánh được làm bằng bột gạo bột nếp, trông giống chiếc nón úp xuống. Thật vậy, tháp hình bánh ít này trông thấy rất rõ từ xa, nằm trên quả đồi cao thuộc địa bàn của xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Sách sử ngày trước gọi tháp này là tháp Thổ Sơn. Còn có một tên gọi khác nữa là tháp Thị Thiện vì tương truyền hồi trước có một bà tên Thiện thường bán bánh dưới chân tháp. Tháp Bánh Ít có thể nhìn thấy từ xa vì được xây trên một quả đồi nhỏ. Từ trung tâm thành phố Quy Nhơn chạy xe ngang qua đó, du khách có thể đi lên tháp từ phía tây. Còn muốn lên tháp từ phía đông phải theo một con đường từ làng Đại Lộc đi tới. Đây là một con đường còn bày ra những gạch xưa vỡ nát, trườn theo sườn đồi lên tới tháp.

Tháp Bánh Ít – Ảnh: Đào Tiến Đạt

* Có rất nhiều ngôi tháp Chămpa như tháp Bà Pô Nagar, tháp Bằng An, tháp Bình Sơn, tháp Cánh Tiên, tháp Hòa Lai, tháp Nhạn, tháp Poshanư… vì sao ông lại nhắc đến tháp Bánh Ít ở đây?

Cũng có lý do đặc biệt của nó. Chính tại tháp Bánh Ít này cách đây gần một thế kỷ, các nhà nghiên cứu người Pháp đã tìm thấy một bức phù điêu cao gần một mét bên trên hình của bốn vũ nữ đang múa. Hình ba vũ nữ khá rõ, còn hình vũ nữ thứ tư bị mất, chỉ còn đôi bàn chân trên phù điêu vỡ. Những vũ nữ này có đeo các vòng tay, gương mặt và thân hình khá yểu điệu và gương mặt còn đọng nụ cười từ bao thế kỷ trước. Từ trước tới nay, người ta vẫn thường nghĩ đến dấu ấn sâu đậm của mỹ thuật điêu khắc mang âm hưởng Bà la môn giáo trên các phù điêu tượng vũ nữ Chămpa. Còn tôi, khi nhìn những tượng vũ nữ này, tôi nghĩ ngay đến những động tác luân chuyển đưa con người vào chiều sâu của tâm linh rợp mát hương vị của thiền!

* Ồ, sao ông lại nhắc đến thiền chỗ này?

Tôi có nguyên cớ riêng để nhắc đến. Xin hãy nhớ rằng thiền và Phật giáo đại thừa đã có mặt trong đời sống của người Chămpa cách đây cả nghìn năm. Trong các cuốn sử của Việt Nam, của Trung Quốc vẫn nhắc đến một Phật học viện (Vihara) cổ xưa của Chămpa với những lời lẽ trân trọng. Kể cả các nhà khoa học người Pháp như nhà nghiên cứu H.Parmentier khi tiến hành khai quật trên một quy mô lớn về một Phật học viện như thế và đã làm cho thế giới ngạc nhiên.

* Ông có thể nói rõ thêm về điều ấy?

Vâng. Phật viện Đồng Dương nay thuộc làng Đồng Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Về phần địa chí khi viết đến vùng Quảng Nam, sách Đại Nam nhất thống chí triều Nguyễn đã mô tả sơ qua khu di tích với các tháp, các nền của đền thờ cổ hoang tàn theo thời gian không kèm theo lời bình luận gì thêm về khu di tích này. Phật viện Đồng Dương chỉ thật sự được biết đến nhiều khi các nhà khoa học đã công bố nhiều đề tài nghiên cứu, và chúng ta mới thấy được tầm vóc quy mô của nó. Nhất là nhà nghiên cứu L.Finot trong đề tài công bố của mình về vấn đề di tích Đồng Dương, ông đã giới thiệu 229 hiện vật đã được phát hiện. Nổi bật nhất là bức tượng Phật bằng đồng. Bức tượng Phật đứng cao hơn 1m là đề tài nghiên cứu khá lý thú được các nhà khoa học đưa ra đoán định bởi theo nhận định chung bức tượng này được xem như là nghệ thuật hoàn hảo và đẹp vào loại bậc nhất khu vực Đông Nam Á.

Tượng Phật đứng được phát hiện đã cho phép các nhà nghiên cứu liên tưởng đến sự giao thoa của trung tâm Amaravati của Ấn Độ và trung tâm Phật giáo Amaradhapura thuộc nước Tích Lan (Srilanka) có niên đại khá sớm được du nhập vào Chămpa. Ngoài sự chú ý của bức tượng nói trên, công trình khai quật khu trung tâm Phật viện Đồng Dương của nhà nghiên cứu Parmentier cũng cho chúng ta khái quát rõ hơn về mô hình xây dựng và diện tích xa xưa của Phật viện này. Sự hùng vĩ trang nghiêm của một quần thể kiến trúc điêu khắc như đưa chúng ta lạc vào một thế giới nghệ thuật cùng với thiên hướng tâm linh đã được đánh giá là độc đáo vào hạng bậc nhất của Chămpa và Đông Nam Á, cũng như một nguồn di sản văn hóa hết sức lớn lao của Phật giáo.

Theo mô tả của Parmentier, toàn bộ khu vực kiến trúc liên hoàn kéo dài xuyên suốt hơn 1.330m bắt nguồn từ hướng tây và chấm dứt ở hướng đông. Riêng khu vực chánh điện thờ Phật lại là một vành đai hình chữ nhật dài 326m và rộng 155m với hệ thống tường thành bao bọc kiên cố chung quanh. Từ chánh điện mở ra một con đường rộng dài hơn 763m hướng thẳng về phía đông để dẫn vào một thung lũng hình chữ nhật có diện tích 1.080 m2. Đây được xem là cụm kiến trúc còn bảo lưu được phần đền thờ chính khá nguyên vẹn cùng các bức tượng bằng đá và bằng đồng được phát hiện quanh đó. Ngoài phần chánh điện được tìm thấy với hệ thống nền gạch của một khu tăng xá và giảng đường nối tiếp nhau trong một chu vi rộng lớn. Những viên ngói dùng lợp cho các công trình cũng được phát hiện rải rác trong di tích của Phật viện này cho phép chúng ta hình dung về một cấu trúc hoàn chỉnh bao gồm phần chánh điện dùng làm nơi thờ tự lễ bái, khu tăng xá là nơi lưu trú cho các chư tăng tu học và giảng đường dùng làm nơi giảng kinh và mở các pháp hội. Một mô hình Phật viện khép kín như thế rất lý tưởng đào tạo nhân tài ngày trước ở Chămpa.

* Những điều nói trên đã được ông trình bày trên giảng đường các trường đại học hiện nay chứ?

Đương nhiên khi nói về văn hóa Chăm, tôi vẫn thường nhắc đến những nội dung ấy khi thấy cần thiết nhằm giúp các sinh viên hiểu rõ rằng văn hóa Chămpa không chỉ là các ngọn tháp độc đáo, các phù điêu vũ nữ thanh thoát, mà còn thể hiện ở các di sản tinh thần vô giá như Phật viện Đồng Dương. Tôi cũng trình bày rõ những điều này trong một cuốn sách mang tên Dấu ấn Phật giáo Chămpa xuất bản cách đây 10 năm. Trong cuốn đó, tôi cũng phân tích vì sao vũ đạo Chăm lại liên quan tới thiền. Như hình một vũ nữ đứáng yên, chân phải đưa về phía trước, chân trái đứng thẳng, mình hơi nghiêng theo cánh tay trái, lòng bàn tay có một chiếc vòng kim cương, tay kia từ khuỷu tay đến cổ tay có dáng đưa lên thư thái trong tư thế cầm một hoa sen và với gương mặt chìm trong suy tưởng. Chính hình ảnh này đã khiến tôi nghĩ đến thế giới thiền, đến phong vị thiền, đến hoạt dụng của thiền khi nhìn bất cứ hình vũ nữ Chămpa nào, dù hình đó được điêu khắc ra sao. Điều ấy cũng là cách riêng của tôi ứng dụng trong cuộc sống theo lời dạy của người xưa rằng: tâm mình thanh tịnh thì cái nhìn ra thế giới quanh mình cũng sẽ đều bình yên thanh tịnh, phải không nào?

Hồng Hạc (Báo thanhnien )

Mở cửa bí ẩn tháp Chămpa và Phật viện Đồng Dương
ZALO - THIẾT KẾ WEBSITE NINH BÌNH
ZALO - THIẾT KẾ WEB NINH BÌNH