GN – Chuyện dưới đây kể về nhà địa chất người Trung Hoa bị lạc đường trong một lần đi tìm khoáng sản tại Quế Châu và những trải nghiệm thú vị, được rút ra từ sách Compassion Yoga: Mystical Cult of Kuan Yin, xuất bản tại London năm 1977, tác giả John Blofeld (1913-1987). Sách gồm nhiều chủ đề: Thiền tập theo Quán Âm, Lịch sử Bồ-tát Quán Âm, Tín ngưỡng Quán Âm và nhiều câu chuyện linh ứng về Ngài. Xin giới thiệu một câu chuyện linh ứng trong tập sách này.
—
Tuy mẹ tôi là Phật tử, nhưng suốt những năm trước khi vào đại học, tôi theo học những trường Thiên Chúa giáo. Mười sáu tuổi nhận phép rửa tội và sau đó, tôi cưới một người vợ cũng đạo Thiên Chúa. Trong nhiều năm, tôi đã là một con chiên ngoan đạo. Trong phạm vi một nhà địa chất học, tôi có thể là con chiên ngoan đạo duy nhất.
Tôi làm việc trong một công ty chính phủ, chuyên đi tìm khoáng sản. Có một lần tôi được gởi đến Quế Châu, một vùng núi non hoang dã và thưa dân để tìm kiếm chất vôn-phờ-ram (wolfram). Từ chỗ ấy, muốn đi đến đường xe chạy gần nhất cũng phải mất 6, 7 ngày đi bộ.
Một hôm, trước khi nghỉ ăn trưa, tôi đã nhầm con đường mòn cho lừa đi với con đường chính, và đã bỏ lại rất xa toán người khuân vác hành lý cũng như dụng cụ thiết bị cần thiết. Biết rằng mình đã đi lạc, tôi đã bắt đầu đói, và vì thỉnh thoảng nhìn thấy ở ven đường những đống phân lừa còn mới, tôi tin chắc rằng con đường mòn này dẫn đến một xóm làng nào đó có người ở, nên cứ thế mà tiến về phía trước. Càng lúc càng trèo lên cao, cho tới một lúc, xung quanh tôi toàn là những đám mây cuồn cuộn, trên ngọn cây lanh lảnh vọng xuống tiếng vượn hú. Ở mỗi khúc quanh tôi đều hy vọng tìm thấy một túp lều tiều phu nhưng lần nào cũng thất vọng, tuy nhiên tôi đã đi quá xa để có thể quay lùi lại phía sau. Tôi cần thức ăn, và cần một người địa phương nào đó chỉ đường cho tôi tìm gặp lại toán người khuân vác hành lý của tôi.
Từ trên đỉnh núi, một ngọn gió lạnh buốt luồn xuống trong bóng tối nhá nhem. Những âm thanh ma quái vang vọng xung quanh, có những âm thanh tôi nhận biết được như tiếng gió hú hay tiếng suối chảy, nhưng cũng có những âm thanh thê lương, như ma khóc quỷ hờn không biết từ đâu đến. Lạc lõng giữa những tảng đá bao phủ bởi khói sương càng lúc càng dày đặc, cứ mỗi bước nỗi sợ hãi trong tôi càng tăng thêm. Hình ảnh thú dữ ám ảnh tôi, làm tôi kinh hoàng. Còn giặc cướp ư, tuy đã nghe dân địa phương kể lại những câu chuyện rùng rợn về họ, nhưng lúc đó, niềm ao ước gặp được đồng loại khiến tôi sẵn sàng gặp bất cứ một người nào, giặc cướp hay không.
Cuối cùng, trong cơn khủng hoảng tột độ, tôi quỵ xuống ở ven đường và trong tư thế đó, tôi tuôn ra những lời cầu nguyện đến vị thần hộ mệnh của tôi, thánh nữ Bernadette (vị thánh nữ đạo Thiên Chúa). Tôi van xin cô bé thánh nữ dịu hiền (tôi nghĩ về ngài như thế) hãy hiện hình và đưa tôi đến một nơi an toàn. Trong chút ánh sáng còn lại, đôi mắt tôi lục lọi tìm tòi giữa những tảng đá. Nếu ngài không hiện hình, chắc chắn là tôi sẽ hoàn toàn mất trí, nếu không nói là mất mạng.
Thế rồi ngài hiện hình, đứng trên một tảng đá nhỏ bằng phẳng. Chiếc áo vải xanh mong manh của ngài gần như không hề bị lay động bởi những trận gió hung tợn buốt giá. Ngài mỉm cười, tôi thấy rất rõ vì xung quanh ngài ánh lên một vầng hào quang sáng dịu. Tự nhiên tôi cảm thấy có một cái gì là lạ trên khuôn mặt ngài, và tôi nhận thức ngay rằng: ngài là thánh nữ Bernadette người Trung Hoa!
Mái tóc bới cao, các trang sức đeo cổ, chiếc quần lụa trắng ẩn hiện dưới tà áo xanh xẻ lên tới đùi là trang phục của những tiểu thư đài các Trung Hoa cách đây vài thế kỷ.
– Đi nào, chú! Cô nói bằng tiếng Quan thoại du dương, nhưng phát âm bằng một giọng nói trẻ thơ, quá trẻ thơ để có thể đến từ thánh Bernadette.
– Cháu sẽ đưa chú đến một chỗ nghỉ đêm rất an toàn và ngày mai mọi sự sẽ tốt đẹp!
Cô đưa tôi đi một quãng đường ngắn đến một động đá trống và rất kín gió. Mặt đất trong động vô cùng êm ái, như những tấm nệm êm ái nhất, và tôi gần như chắc chắn rằng đã thoáng thấy một tấm mền kép độn bằng những lọn tơ lụa ấm áp. Tôi đặt lưng xuống theo dấu hiệu của cô và rơi ngay vào một giấc ngủ say, không còn hay biết gì nữa hết.
Sáng hôm sau tôi thức dậy sau một giấc ngủ thật sâu và thật dài, khi mặt trời đã lên rất cao rồi. Xung quanh tôi chẳng có mền chiếu nào cả, và chẳng những mặt đất không chút êm ái mà còn lởm chởm những đá và sỏi, thế mà tôi đã ngủ thật ngon với cảm giác ấm áp như ngày xưa ngủ chung phòng với mẹ ở quê nhà yêu dấu, cách nơi đây cả ngàn dặm.
Lúc tắm gội xong trong một dòng suối cách đó không xa, tôi thấy có một đoàn lừa từ trên núi tiến xuống trên con đường mòn với ba người chăn lừa dẫn đầu. Tôi đã thương lượng để mua lại của họ vài chiếc bánh bao hấp, tuy tôi tin chắc rằng họ sẵn sàng cho mà không lấy tiền. Với sự giúp đỡ của họ, tôi đã gặp lại được toán phu khuân vác của tôi vào buổi trưa ngày hôm sau.
Trong hơn một năm sau đó, tôi vẫn tin tưởng mình đã được thánh Bernadette cứu mạng, tuy tôi không giải thích được tại sao ngài lại thị hiện dưới hình dáng một bé gái người Trung Quốc nhỏ tuổi đến thế…
Thế rồi một ngày kia, tôi trú mưa trong một ngôi chùa bỏ hoang không xa Thành Đô (Tứ Xuyên), và trên chánh điện, tôi thấy một tấm tranh bạc màu vẽ trên tường hình Bồ-tát Quán Thế Âm mặc áo vải xanh đơn sơ, không trang sức lộng lẫy như thường lệ. Ngài ngồi bên đại dương, và cũng như thường lệ, có Long Nữ và Thiện Tài đứng hầu hai bên.
Tôi ngạc nhiên cực độ, nhận ra vị Long Nữ trong tranh chính là cô thánh nữ Bernadette bé bỏng của tôi! Cũng chiếc áo dài xanh, cũng quần lụa trắng ấy, nhưng trên bức tranh không có nữ trang đeo cổ. Suy nghĩ mãi về những món trang sức, trong ký ức tôi chợt hiện về một hình vẽ trong bức tranh treo ở phòng của mẹ tôi. Đó là hình ngài Quán Âm với Long Nữ nhưng với những món trang sức diễm lệ.
Thì ra là vậy! Bạn có thể nói cô bé gái đã đến cứu tôi trong cái đêm lạnh giá ấy không phải là Long Nữ, cũng chẳng phải thánh Bernadette, mà là một kỷ niệm thời thơ ấu xuất phát từ một tâm trí khủng hoảng đến cuồng loạn. Và bạn nói đúng – chỉ một phần. Vì, một kỷ niệm thời thơ ấu thường không có quyền lực dắt ta đến một hang động không quen biết hay biến đá sỏi thành nệm ấm chăn êm, hô biến từ thinh không một tấm mền kép ấm áp hay chặn đứng những ngọn gió lạnh chết người.
Vâng, bạn nói đúng nhưng chỉ một phần thôi. Đấy chính là một kỷ niệm. Nhưng cũng chính là Long Nữ do ngài Quán Âm từ bi gởi đến cứu tôi. Từ hôm nhận ra điều đó trở đi, tôi đã nghiên cứu Phật pháp, học hỏi pháp môn Duy thức thâm sâu của Phật giáo Đại thừa, nên tôi chấp nhận rằng không có một sự mâu thuẫn nào giữa kỷ niệm thời thơ ấu và Long Nữ.
Trong một lúc tinh thần khủng hoảng đến cùng cực, tôi đã cầu khẩn một sự gia hộ của thần linh và sự gia hộ thần thánh ấy đã xảy ra lập tức dưới một hình dạng tương ứng với tâm tôi. Long Nữ đã xuất hiện trong tâm tôi, và cũng chính tâm tôi đã tạo ra sự ấm áp, thư thái để thân thể có thể chống chọi với giá lạnh bên ngoài. Nhưng bạn có dám nói đấy không phải là phép lạ do Bồ-tát Quán Thế Âm hiển linh, một vị Bồ-tát mà tôi đã thờ phụng lúc còn ấu thơ?
Tất cả các phép mầu đều như thế, từ tâm xuất phát. Đúng vậy, Bồ-tát đã không tự thân ứng hiện. Ngài quá tế nhị để xuất hiện trước một kẻ đang cầu khẩn một vị thần linh ngoại quốc, nên đã gởi Long Nữ đến vì tôi có thể nhầm lẫn nghĩ rằng Long Nữ là Bernadette, cô bé thánh nữ mà tôi chờ đợi.
Cho rằng sự may mắn của mình đến từ sự vận hành nhiệm mầu của tâm hay chấp nhận rằng đó là Bồ-tát Quán Thế Âm hiển linh, là hai cách thức để nói lên cùng một sự thật.
Diệu Hạnh Giao Trinh
(Trích dịch từ Compassion Yoga – The Mystical Cult of Kuan Yin,
của John Blofeld)